Hiện tượng chảy máu cam là tình trạng xuất huyết ở đường mũi do các niêm mạc mũi bị tổn thương. Khi bị chảy máu cam, máu chảy ra từ một hoặc cả hai lỗ mũi. Tình trạng chảy máu có thể nặng hoặc nhẹ và kéo dài từ vài giây đến 15 phút hoặc hơn.
Nguyên nhân nào gây chảy máu cam?
Bên trong mũi của bạn có vô số những mạch máu nhỏ, mỏng manh, dễ dàng bị tổn thương và chảy máu.
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chảy máu cam bao gồm:
- Ngoáy mũi
- Xì mũi quá mạnh
- Một chấn thương nhẹ ở mũi
- Thay đổi độ ẩm, thời tiết hoặc nhiệt độ khiến niêm mạc mũi bị khô và nứt nẻ
Đôi khi, hiện tượng chảy máu có thể đến từ các mạch máu sâu hơn trong mũi. Nguyên nhân có thể là do bị va đập, bệnh nhân có trải qua phẫu thuật mũi gần đây hay các động mạch bị xơ cứng (xơ vữa động mạch).
Cần làm gì khi bị chảy máu cam?
- Ngồi xuống và bóp mạnh phần sụn mũi mềm ngay trên lỗ mũi, ít nhất 10-15 phút
- Cúi người về phía trước và thở bằng miệng sẽ ngăn máu chảy xuống cổ họng
- Bọc khăn quanh một túi đá hoặc túi chườm lạnh rồi đặt lên sống mũi của bạn
- Đứng thẳng, thay vì nằm xuống, sẽ giúp làm giảm huyết áp trong mạch máu mũi và ngăn chảy máu thêm
Khi nào cần tìm lời khuyên y tế?
Liên hệ với bác sĩ hoặc gọi dịch vụ y tế nếu bạn bị chảy máu cam trong các trường hợp sau:
- Đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) như warfarin hoặc mắc rối loạn đông máu như bệnh máu khó đông và máu không ngừng chảy
- Có các triệu chứng thiếu máu như tim đập nhanh, khó thở và da nhợt nhạt
- Trẻ dưới hai tuổi bị chảy máu mũi
- Bị chảy máu cam thường xuyên
Nhờ ai đó chở bạn đến phòng cấp cứu gần nhất hoặc gọi cấp cứu để được trợ giúp nếu:
- Chảy máu liên tục kéo dài hơn 20 phút
- Máu chảy nhiều và bạn đã mất rất nhiều máu
- Khó thở
- Nuốt phải một lượng lớn máu cam khiến bạn nôn mửa
- Chảy máu mũi phát triển sau một chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như một vụ va chạm xe hơi
Các đối tượng thường mắc chảy máu cam
Chảy máu cam là hiện tượng khá phổ biến và hầu hết mọi người đều sẽ gặp phải tình trạng này nhiều lần. Bất kỳ ai cũng có thể bị chảy máu mũi, nhưng tình trạng này thường ảnh hưởng nhất đến:
- Trẻ em từ 2 đến 10 tuổi
- Người cao tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người dùng thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin
- Những người bị rối loạn đông máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông
Chảy máu cũng có thể nặng hơn hoặc kéo dài hơn nếu bạn dùng thuốc chống đông máu, bị rối loạn đông máu hoặc bị cao huyết áp (tăng huyết áp).
Chảy máu cam có nghiêm trọng không?
Chảy máu cam thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, chảy máu cam thường xuyên hoặc nhiều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc rối loạn đông máu và cần được kiểm tra.
Chảy máu quá nhiều trong một thời gian dài cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác như thiếu máu.
Ngăn ngừa chảy máu cam
Những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa chảy máu cam bao gồm:
- Tránh ngoáy mũi và cắt móng tay ngắn để không làm tổn thương niêm mạc mũi
- Xì mũi nhẹ nhàng
- Giữ ẩm cho ngôi nhà của bạn
- Đeo thiết bị bảo vệ đầu trong các hoạt động mà mũi hoặc đầu của bạn có thể bị thương
- Luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ khi uống thuốc kê đơn, lạm dụng thuốc có thể gây chảy máu cam
(Nguồn: https://www.nhsinform.scot)