Đề xuất của phía ngân hàng được cho là không hợp lý, vì Bộ luật Dân sự hiện hành quy định rõ: thế chấp là biện pháp bảo đảm không kéo theo việc chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận thế chấp. Do đó, trong quá trình thế chấp tài sản, chừng nào chưa xử lý tài sản thế chấp thì tài sản này vẫn do bên thế chấp quản lý và sử dụng trừ trường hợp tài sản do bên thứ ba giữ theo ủy quyền của bên thế chấp hay theo quy định của các hợp đồng, giao dịch giữa bên thứ ba và bên thế chấp. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó (khoản 1, điều 351, Bộ luật Dân sự) và được quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp việc khai thác, sử dụng tài sản có nguy cơ làm mất hay làm giảm sút giá trị của tài sản (khoản 4, điều 351, Bộ luật dân sự).
Nguồn: ITN |
Mặt khác, điều 299 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã quy định, ngân hàng có quyền yêu cầu bên mua, bên nhận trao đổi, bên nhận tặng cho, bên thuê, bên mượn giao lại tài sản là đối tượng của quyền thế chấp để xử lý khi bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ. Và thực tế, doanh nghiệp không thể tẩu tán tài sản thế chấp là bất động sản vì tài sản vẫn tồn tại về mặt vật chất và địa lý. Ngân hàng vẫn giữ bản chính của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản đó vẫn có thể bị xử lý nếu bên bán (bên vay) không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ. Nếu là tài sản có nguy cơ chuyển dịch về vật chất và không gian cao hơn, cơ chế hiện hành vẫn giúp ngân hàng bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, cơ chế hiện nay vẫn cho phép việc khởi kiện được tiến hành. Bên vay sẽ là bị đơn, khoản nợ và tài sản thế chấp là đối tượng tranh chấp, chủ sở hữu mới là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, hệ thống tòa án sẽ không bị quá tải khi bổ sung quyền này của bên vay. Trong khi, nếu quy định việc bán tài sản thế chấp trong thời hạn vay do ngân hàng và bên vay thỏa thuận thì cũng không thực sự hợp lý vì bên vay thường là bên yếu thế và dễ bị tổn thương hơn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Tất nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có thể bổ sung một số quy định như đưa thêm điều khoản đến hạn khi bán vào thỏa thuận thế chấp để cho phép ngân hàng có quyền thanh lý hợp đồng vay nếu bên vay bán tài sản mà ngân hàng thấy rủi ro về khả năng tiếp tục trả nợ. Hay quy định về quyền của bên vay chọn ngân hàng khác mua khoản nợ này từ ngân hàng hiện tại nếu bên vay không đủ điều kiện để tránh bị áp dụng cơ chế đến hạn khi bán...
Về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự không phải gánh vác trách nhiệm đấu tranh và phòng ngừa tội phạm về quyền sở hữu hay cơ chế bảo đảm an toàn trong quan hệ tín dụng. Điều này nên để các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh và bổ trợ cho các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Dân sự. Và các ngân hàng phải tự mình đánh giá lại chính sách cho vay, kiểm soát rủi ro và các cơ chế tự vệ hợp pháp. Như vậy sẽ không chỉ bảo đảm công bằng giữa các bên trong quan hệ tín dụng, mà cũng sẽ giúp chính ngân hàng tránh rủi ro nợ xấu, phát triển bền vững hơn.