
Cụ thể trách nhiệm của từng đối tượng
Về dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, kế thừa, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy. Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy. Đồng thời nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật...

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nam) nêu thực tế các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố vẫn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách như thế nào để vừa khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Do đó việc xây dựng và ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thời điểm hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ là nội dung hết sức cần thiết. Do đó, đề nghị bổ sung quy định đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị phải quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh như yêu cầu về thiết kế, lắp đặt hệ thống điện vì mỗi loại hình có thiết kế, công năng và yêu cầu phòng cháy khác nhau. Bổ sung quy định cụ thể về trang bị, thiết bị tối thiểu phù hợp với từng loại cơ sở, đối tượng khác nhau để thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Tán thành với quan điểm này, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy phải chặt chẽ hơn đối với loại hình nhà ở có kết hợp kinh doanh dịch vụ…

Còn theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), nên bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng đối tượng như chủ đầu tư, người đứng đầu các cơ sở, tổ chức trong việc tự trang bị và bảo dưỡng các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Nhà nước nên có nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị phòng cháy chữa cháy hàng năm. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, huấn luyện lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp. Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.
Chi tiết, cụ thể, tránh chồng chéo, trùng lặp
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của phòng không nhân dân trong phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác quốc phòng, an ninh, về chiến lược bảo vệ an ninh, tổ quốc trong tình hình mới cũng như các quy định của Công ước hàng không dân dụng quốc tế; quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và các điều ước quốc tế và Việt Nam là thành viên; các quy định của pháp luật liên quan để bổ sung, chỉnh lý bảo đảm chi tiết, cụ thể, tránh chồng chéo, trùng lặp, tăng tính khả thi trong thực tế.

Về giải thích từ ngữ, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng giải thích từ ngữ về tàu bay không người lái phải rõ ràng, đầy đủ hơn. Việc phân loại về kích thước, chủng loại, năng lực cũng như mục đích sử dụng cũng chưa chi tiết, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Về quản lý, hiện dự thảo luật đang giao cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, nên có thêm sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.
Cũng liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, ĐBQH Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nam) kiến nghị quy định rõ việc đăng ký, đăng kiểm cũng như phân cấp, phân quyền quản lý.