Sự kiện do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Cần Thơ và Hội hữu nghị Việt - Pháp TP. Cần Thơ phối hợp với các đối tác Pháp ngữ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.
Đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Pháp (12.4.1973 – 12.4.2023); là hoạt động thiết thực, bổ ích để những người nói tiếng Pháp thể hiện sự gắn bó của mình với tiếng Pháp, khẳng định tình đoàn kết và mong muốn được cùng nhau thúc đẩy, quảng bá những giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như đề cao những giá trị mang tính toàn cầu của nhân loại.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh, lãnh đạo TP. Cần Thơ luôn xem trọng việc xây dựng và phát triển mối quan hệ với các đối tác Pháp, luôn duy trì tốt chương trình giảng dạy tiếng Pháp trong các trường phổ thông, tăng cường đào tạo chuyên môn, nhất là kỹ năng cho học sinh, sinh viên; đưa vào chương trình đào tạo những môn học tự chọn liên quan đến du lịch, thương mại... giúp học sinh, sinh viên có điều kiện, cơ hội không chỉ làm việc trong môi trường sư phạm mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án hỗ trợ từ Chính phủ Pháp và các tổ chức Phi Chính phủ trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rất thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thời gian qua, TP. Cần Thơ cũng đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Pháp tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị ngoại giao giữa Việt Nam - Pháp và chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Pháp trên địa bàn, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa TP. Cần Thơvới các địa phương của Pháp, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân hai nước gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và du lịch.
Tùy viên Hợp tác Pháp ngữ Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM Anne - Laure Vincent, cho biết, hàng năm, cứ đến tháng ba thì cộng đồng Pháp ngữ trên khắp thế giới đều tổ chức kỷ niệm ngày Quốc Tế Pháp ngữ. Những hoạt động trong ngày hội đã trở thành cơ hội để mọi người gặp gỡ nhau, kết nối với nhau bằng ngôn ngữ và văn hóa Pháp.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự năng động và đa dạng của các hoạt động diễn ra trong ngày hội Pháp ngữ lần này, bà Anne - Laure Vincent chia sẻ: “Tôi đã có dịp gặp gỡ các thầy cô giáo của các lớp song ngữ và được biết là họ đang hàng ngày chăm lo cho việc học tiếng Pháp của các em học sinh, từ tiểu học đến trung học bằng tất cả niềm vui và lòng yêu mến của họ đối với ngôn ngữ này”
Theo Tùy viên Hợp tác Pháp ngữ Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM, tại 8 tỉnh thành của ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang), số học sinh học tiếng Pháp chiếm tỉ lệ 20% của cả nước.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Ngày hội Pháp ngữ đã hỗ trợ 10 suất học bổng (mỗi suất 2 triệu đồng) dành cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập môn tiếng Pháp và tích cực trong các hoạt động Pháp ngữ trong thời gian qua.
Trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Pháp ngữ khu vực ĐBSCL lần 23, chiều 11.3, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo chuyên đề việc giảng dạy tiếng Pháp tại khu vực ĐBSCL: “Cơ hội, thách thức và triển vọng về một sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các đối tác kinh tế - xã hội”.
Theo báo cáo, hiện toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố có giảng dạy tiếng Pháp, trong đó chương trình tiếng Pháp song ngữ và tăng cường được giảng dạy tại 13 tỉnh, chuyên tại 15 tỉnh. Tiếng Pháp ngoại ngữ 2 tại 19 tỉnh và ngoại ngữ 1 tại 32 tỉnh. Tổng số học sinh theo học tiếng Pháp khoảng 38.000. Tổng số giáo viên tiếng Pháp khoảng hơn 400. Tổng số trường có giảng dạy tiếng Pháp khoảng 171 trường và 1.190 lớp. Trong đó việc giảng dạy tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 chiếm số lượng học sinh đông nhất, khoảng gần 20.000 học sinh, tiếp theo đó là chương trình song ngữ và tăng cường tiếng Pháp chiếm khoảng hơn 7.500 học sinh…
Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi về việc xây dựng các chính sách, chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và hoạt động của các trường. Đồng thời, triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong đó có môn Tiếng Pháp với tư cách là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2; Nâng cao chất lượng dạy và học, tạo cơ hội cho các em có cơ hội giao tiếp cũng như tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ dạy và học tiếng Pháp; Tăng cường quảng bá truyền thông, định hướng nghề nghiệp và tư vấn cho học sinh tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL.