Đến thời điểm này, chỉ có ít địa phương đã có thể “chốt” được ngày tựu trường năm học 2021 - 2022 dẫu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch thời gian cho năm học mới. Hiện một số tỉnh về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 như Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái… thông báo về lịch tựu trường. Còn lại rất nhiều nơi chưa thể ấn định ngày cho học sinh, sinh viên quay lại trường bởi dịch bệnh căng thẳng, đặc biệt là các tỉnh, thành đang trong thời gian áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Dù chủ động chuẩn bị những công việc có thể thực hiện khi năm học mới sắp đến nhưng nhiều trường thừa nhận không biết năm học mới sẽ bắt đầu thế nào khi nhiều nơi, cơ sở giáo dục trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm tiêm phòng vaccine mà chưa biết cụ thể lúc nào sẽ kết thúc. Ngoài việc lo phòng dịch, giáo viên và học sinh ở nhiều nơi còn tất bật, xoay xở lo hoàn thành các công việc của năm học cũ còn dang dở và chuẩn bị cho năm học mới đang cận kề. Trên tinh thần cảnh giác, các địa phương đều chuẩn bị sẵn sàng triển khai các công tác chuẩn bị để đón học sinh tựu trường vào thời gian sớm nhất có thể. Mặt khác, chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến mới.
Theo khung chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4.8, Bộ không quy định “cứng” các mốc thời gian, mà chỉ quy định “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”. Đối với những địa phương không thể tựu trường vào ngày 1.9, thì lùi muộn hơn - và chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn theo quy định. Trong trường hợp đó, chủ tịch UBND quyết định thời gian cho học sinh đến trường và ngay từ đầu năm học cần xây dựng kế hoạch giáo dục với thời gian kết thúc năm học không phải 31.5 mà là 15.6. Trường hợp bất khả kháng, dù đã kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày nhưng vẫn chưa thể kết thúc năm học, các Sở báo cáo về Bộ để cùng bàn bạc, phối hợp với địa phương có giải pháp phù hợp.
Sự chủ động về thời gian bắt đầu năm học trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là cần thiết. 2 năm qua, các trường học, địa phương đều làm quen với việc chủ động, ứng phó, thích nghi, “dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Đặc biệt, nhiều địa phương còn giao quyền tối đa cho các trường tự xây dựng kế hoạch sao cho có thể bố trí dạy học tiết kiệm tối đa thời gian, cơ sở vật chất, tận dụng các không gian dạy học khác nhau (trong, ngoài lớp), các hình thức dạy học khác nhau (trực tuyến, trực tiếp), các phương pháp tổ chức dạy học khác nhau (tích hợp liên môn, dạy học theo chuyên đề) để hoàn thành yêu cầu của chương trình trong thời gian eo hẹp hơn. Dĩ nhiên, trong các tình huống, luôn phải đặt sự an toàn của học sinh, cán bộ, giáo viên lên trên hết.
Vừa rồi, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2. Ở Hà Nội có những quận, huyện đã kết thúc năm học trong thời điểm tháng 5 nhưng cũng có những quận, huyện đang tiến hành thi cử, cho thấy tính chủ động, dám chịu trách nhiệm và khả năng thực hiện địa phương là quan trọng nhất. Chỉ khi các địa phương hiệu chỉnh để năm học linh động, chủ động trong chương trình, trong các kỳ thi, chủ động trong việc xét tuyển thì giáo viên lẫn học sinh mới không bị áp lực chạy đua với các địa phương khác. Dịch Covid-19 ở mỗi tỉnh, thành sẽ ở một cấp độ khác nhau, các địa phương phải linh hoạt tự quyết định kế hoạch thời gian năm học phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dĩ nhiên, học sinh đến trường vẫn tốt hơn là học tập trực tuyến nhưng khi điều kiện không thể đến trường mà không dừng việc dạy học được thì các địa phương vẫn phải tìm cách khắc phục. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hình thức học trực tuyến, nhưng không thể phủ nhận đây là giải pháp tối ưu để duy trì việc học khi chưa hẹn ngày học sinh có thể được trở lại trường. Dạy học trực tuyến cũng có những ưu điểm riêng, trong đó đáng nói là sự đầu tư, ý thức ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà trường, của thầy trò thay đổi tích cực. Còn đối với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, chưa đủ các điều kiện để triển khai chương trình dạy và học trực tuyến thì có thể ưu tiên việc học qua truyền hình. Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, dành ngân sách cho việc này để tạo điều kiện cho các em vùng khó có cơ hội học tập công bằng.