Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.

Từ nghìn đời nay, ông cha ta đã đúc kết chân lý “Phi trí thì bất hưng”, khẳng định đất nước vững bền, hưng thịnh thì không thể thiếu đi sự học và không thể thiếu thầy. Một dân tộc thiếu đi sự học thì chỉ là dân tộc yếu. Vì thế, tôn sư trọng đạo trở thành đạo lý bao đời của người Việt Nam. Có yêu quý và kính trọng thầy mới hiểu những điều thầy dạy, mới hiểu đạo làm người.

Nghề dạy học gắn với sự nghiệp trăm năm trồng người và xã hội đề cao vai trò, giá trị của người thầy. Bởi vì, nhìn vào thầy sẽ thấy được trò, nhìn vào trò sẽ thấy tương lai, vận mệnh của đất nước.

Một xã hội lành mạnh vững bền rất cần người thầy đức độ, tài năng. "Lương sư thì hưng quốc", khẳng định tài đức của thầy ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước. Dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến luôn coi trọng việc học và đề cao công lao và vị thế người thầy. Tôn sư trọng đạo trở thành đạo lí truyền thống của người Việt Nam.

Xã hội đề cao vị thế của thầy thì cũng đòi hỏi cao phẩm hạnh của thầy, đòi hỏi thầy phải liêm chính, công bằng, thận trọng, bao dung, tha thứ. Đó là cốt cách của thầy.

Có nhiều người nghĩ, biết chữ thì làm thầy. Không đơn giản như vậy, không phải ai cũng theo được đến cùng cái “nghiệp” làm thầy.

Làm thầy trước tiên phải dạy học sinh làm người: biết nghe điều hay lẽ phải, yêu thương quý trọng con người, ngoan ngoãn, trung thực, chăm học chăm làm, đi đứng đàng hoàng, ăn nói lễ phép. Đặc biệt, phải biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết ơn những người làm ra hạt gạo, củ khoai, biết ơn trời đất, sông núi, cỏ cây.

py1.jpg
Tôn sư trọng đạo trở thành đạo lý bao đời của người Việt Nam. Có yêu quý và kính trọng thầy mới hiểu những điều thầy dạy, mới hiểu đạo làm người (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển)

Cha mẹ đã trao cho thầy tài sản quý giá nhất của mình, phó thác tương lai con mình cho thầy với lời gửi gắm gan ruột “trăm sự nhờ thầy”. Bởi vậy, trách nhiệm và tình yêu của thầy càng ý nghĩa và lớn lao. Thầy phải yêu trò như con, vừa là cha nghiêm vừa là mẹ hiền. Thầy không thể bỏ quên bất cứ học sinh nào, cũng không thể bỏ qua bất cứ khiếm khuyết nào của học trò. Yêu thương và thấu hiểu học trò, thầy nghĩ trò chưa ngoan chỉ là lỗi hành vi không phải là vấn đề đạo đức. Thầy nâng niu, chắt chiu từng cố gắng nhỏ nhất của trò để tìm một lời khen. Một lời khen giá trị hơn hàng chục, hàng trăm lời chê bai, trách phạt. Tâm trí của thầy dành hết cho trò, thầy làm tất cả vì trò.

Chỉ một việc đơn giản, học sinh lớp một, ngày đầu vào trường còn ngơ ngác, hiếu động, tự do. Sau một tháng đã đi vào nền nếp. Sau một học kì đã biết đọc, biết viết. Sau một năm đã viết thạo, đọc thông. Kỳ công này mấy ai làm được?

Mười hai năm phổ thông, bốn năm đại học, trò vẫn có thầy đồng hành và cả cuộc đời lao động kiếm sống sau này thầy vẫn là chỗ dựa tinh thần để trò tự tin vượt qua thử thách. Thầy là người khai tâm, khai trí, nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ của lớp lớp thế hệ học trò.

Thành bại của trò là buồn vui của thầy. Trò chưa khỏe, chưa ngoan, chưa giỏi thầy chưa yên lòng, Thầy lo trò bị cha mẹ trách phạt, lo trò đi đường không an toàn,… Với thầy, trò tiến bộ giỏi giang là do trò chăm chỉ thông minh, trò chưa ngoan, chưa giỏi là do phúc của thầy còn mỏng. Với thầy không có học sinh kém, chỉ có thầy chưa giỏi. Thầy làm tất cả lặng lẽ, tự nhiên, không tính toán, không đợi cảm ơn, không chờ báo đáp. Thầy nhận tất cả thua thiệt về mình, nhường cái lợi, cái hay cho người. Với thầy, cho là nhận.

Đã mấy ai hiểu hết lòng thầy. Thầy hành xử theo lẽ phải hơn là tranh đấu được thua. Nếu làm đúng bị thua thiệt thì thầy chấp nhận, còn làm sai để thắng, để có lợi thì thầy quyết không làm. Thầy không to tiếng hơn thua, vì người hiểu không cần nói đã hiểu còn người không hiểu thì mãi vẫn không hiểu. Người đời tìm lí do để tranh đấu, còn thầy tìm lí do để tha thứ. Nhường nhịn, vị tha là từ tâm vốn có của thầy. Thầy khen người, không chờ người khen mình, thầy chấp nhận phán xét của người đời nhưng không chê bai làm tổn thương người khác. Thầy là biểu tượng đạo đức và trí tuệ, là tấm gương cho học trò.

Sau bao nhiêu năm bươn chải trên đường đời có người thất bại, có người thành công, có trò vẫn nhớ tới thầy thì đó là phần thưởng vô giá, là niềm an ủi của thầy.

Thời hội nhập, xã hội hiện đại có nhiều thay đổi. Nuôi con thì dễ - dạy con thì khó. Cha mẹ lại càng cần đến thầy, kỳ vọng nhiều ở thầy và đặt trên vai thầy thêm nhiều áp lực.

Thầy phải có tâm và có tầm. Vì bảo thủ, áp đặt, giáo điều, hạn hẹp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trò. Thầy phải hiểu nhiều, biết rộng, nhìn xa mới giúp trò tự chủ, tự tin hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu.

Cha mẹ cũng là thầy, phải làm gương cho con. Cha mẹ có tôn sư trọng đạo thì con mới ngoan, mới giỏi. Con cái là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Sự thành đạt của con cái, giá trị hơn nhiều của cải và địa vị mà cha mẹ phấn đấu cả đời để dành dụm được. Con hơn cha thì nhà có phúc là mơ ước bao đời của người Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Làm thầy có thể bị nhiều áp lực, đó là thử thách đồng thời cũng là động lực để thầy phát triển và hoàn thiện, thầy chưa bao giờ nghĩ mình hoàn hảo.

Làm thầy, không để lưu danh trên tượng đồng, bia đá. Sự lớn khôn, trưởng thành và tình yêu của trò là phần thưởng quý giá nhất, là hạnh phúc nhất của thầy. “Lương sư - Hưng quốc” là lời nhắc nhở, là giá trị, là trách nhiệm, là lẽ sống của thầy.

Trẻ em như tờ giấy trắng, trong sáng và hồn nhiên. Trẻ em thế kỷ 21 nhạy cảm, thông minh, cá tính, có óc phê phán, biết nhận xét người lớn qua cách hành xử. Trẻ em vô tư và công bằng. Trẻ em yêu ai, thì người đó là người tốt.

Người lớn hãy sống xứng đáng với trẻ em.

Xứng đáng với trẻ em là xứng đáng với đạo làm thầy.

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.