IPU được thành lập vào những năm cuối thế kỷ XIX, thời điểm thiếu các cơ chế chính thức cho hợp tác quốc tế giữa các Chính phủ và nghị viện. Nỗ lực tiên phong này được dẫn đầu bởi hai nghị sĩ có tầm nhìn xa: William Randal Cremer người Anh và Frédéric Passy người Pháp. Mặc dù bối cảnh khác nhau, hai chính trị gia này đã tìm được điểm chung ở tình yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, ủng hộ quan điểm giải quyết mâu thuẫn, giải quyết các bất đồng một cách hòa bình nhất thông qua thương lượng có sự can thiệp của một tổ chức trọng tài quốc tế.
Với ý tưởng đó, cả hai nhà lãnh đạo đã tập hợp được 100 đại biểu bao gồm các chính trị gia, lãnh đạo các nước cũng như các nhà hoạt động xã hội đến từ 9 quốc gia cùng tham gia và họp bàn, thành lập một tổ chức liên nghị viện đầu tiên trên thế giới vào ngày 30.6.1889 với tên gọi Hội nghị Liên nghị viện về trọng tài.
Với sự thay đổi của một số hoạt động cũng như các thành viên tham gia tổ chức, IPCA hoạt động từ năm 1889 đến năm 1899 thì chính thức được đổi tên thành Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của tổ chức chính trị đa phương đầu tiên trên thế giới liên kết các nghị viện của các quốc gia có chủ quyền.
135 năm sau khi thành lập, IPU đã trở thành “Nghị viện của các nghị viện” với 180 thành viên, 15 tổ chức nghị viện liên kết và mở rộng cửa cho tất cả 46.000 nghị sĩ trên toàn thế giới. Vào năm 2018, Liên Hợp Quốc chính thức lấy ngày thành lập IPU 30.6 hàng năm là “Ngày Quốc tế Nghị viện".
Những cột mốc đáng nhớ
- 1888: hai nhà sáng lập là William Randal Cremer và Frédéric gặp nhau lần đầu tiên.
- 1889: IPU được thành lập tại Paris bởi các nghị sĩ đến từ 9 quốc gia.
- 1922: Antonie Pfulf trở thành phụ nữ đầu tiên phát biểu trước một hội nghị của IPU.
- 1947: Nhóm họp lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới II.
- 1974: Lần đầu tiên thúc đẩy chương trình về giới.
- 1976: Thành lập Ủy ban Nhân quyền của nghị sĩ.
- 1994: Thông qua Tiêu chí về bầu cử công bằng và tự do.
- 1997: Thông qua Tuyên bố chung về dân chủ.
- 2010: Thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ.
- 2018: Liên Hợp Quốc lấy ngày thành lập IPU là Ngày Quốc tế Nghị viện.
- 2020: Lần đầu tiên IPU họp Đại hội đồng trực tuyến do Covid-19.
- 2022: Thông qua Chiến lược mới cho tương lai gồm 5 mục tiêu.
- 2023: Thúc đẩy chiến dịch: Nghị viện vì hành tinh; Bahamas trở thành thành viên 180 của tổ chức; Đưa ra Bộ chỉ số đánh giá các nghị viện dân chủ.
- 2024: Kỷ niệm 135 năm thành lập, tập trung vào mục tiêu hòa bình trong bối cảnh nhiều cuộc xung đột xảy ra trên thế giới.