Ông Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Vườn Hồng, Nhà Trắng: "Đây là tuyên ngôn độc lập của chúng ta". Ông Donald Trump nhấn mạnh các mức thuế "có đi có lại" là phản ứng đối với các loại thuế và các rào cản phi thuế quan khác áp dụng đối với hàng hóa của Mỹ.

Nam Á và Đông Nam Á chịu mức thuế quan cao nhất
Việt Nam, Sri Lanka và các quốc gia khác ở Nam Á và Đông Nam Á là mục tiêu của một số mức thuế quan cao nhất. Trump áp đặt mức thuế “có đi có lại” lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, 49% đối với sản phẩm từ Campuchia, 37% đối với Bangladesh và 44% đối với Sri Lanka.
Các loại thuế này sẽ ảnh hưởng đến các công ty xuất khẩu ở các nước này sang Hoa Kỳ và cả các công ty Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài năm qua đã chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á để thoát khỏi căng thẳng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36% đối với 72% tổng lượng hàng hóa, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%, 10%).
Trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế lần này, đáng chú ý là Trung Quốc (34%, 67%), Liên minh châu Âu (20%, 39%), Sri Lanka (44%, 88%), Bangladesh (37%, 74%), Đài Loan - Trung Quốc (32%, 64%), Thụy Sĩ (31%, 61%), Nam Phi (30%, 60%), Pakistan (29%, 58%), Ấn Độ (26%, 52%), Hàn Quốc (25%, 50%), Nhật Bản (24%, 46%), Israel (17%, 33%).
Nhóm các nước chịu mức thuế 10% đối với 10% hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này. Ông Trump tuyên bố áp mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia khác, bao gồm một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, làm ảnh hưởng sâu sắc thêm cuộc chiến thương mại mà ông đã khởi xướng khi trở lại Nhà Trắng.
Trung Quốc chịu thuế kép
Theo ông Donald Trump, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, bên cạnh mức thuế 20% mà ông đã áp dụng trước đó đối với quốc gia này.
Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không được miễn trừ, bao gồm Liên minh châu Âu, nơi đối mặt với mức thuế 20%. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết các mức thuế cao hơn này sẽ có hiệu lực vào ngày 9.4 và sẽ áp dụng cho khoảng 60 quốc gia nói chung.
Các mức thuế toàn diện này sẽ dựng lên những rào cản mới quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, đảo ngược nhiều thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình trật tự toàn cầu.
Các đối tác thương mại dự kiến sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó của riêng họ, có thể dẫn đến giá cả tăng cao đáng kể cho mọi thứ, từ xe đạp đến rượu vang.
Trong công bố của ông Donald Trump, mức thuế 10% được áp cho 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thêm mức thuế cao hơn mức 10%. Mức 10% cho tất cả các nước sẽ có hiệu lực vào ngày 5.4.