Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công: Căn cứ vào nội dung để phân loại đơn
Trong tương lai, An Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, như công trình giao thông công cộng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các cụm tuyến dân cư và khu tái định cư... và những việc này sẽ liên quan đến thu hồi đất và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do đó, tôi đề nghị An Giang cần bổ sung công tác đánh giá, dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và khi áp dụng chính sách, pháp luật mới được ban hành, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Bởi, khi chúng ta thực hiện chính sách đất đai, thì chắc chắn sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là liên quan đến giá đền bù, các chính sách hỗ trợ cho người dân…
Về phân loại đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, thực tế hiện nay còn chưa rõ ràng. Việc phân loại ở nhiều địa phương có tình trạng, đôi khi là khiếu nại, tố cáo lại “bẻ sang” phản ánh, kiến nghị để giải quyết cho nhẹ nhàng; còn với công dân, thì có khi bản chất là đơn khiếu nại, nhưng không ghi là khiếu nại mà chỉ ghi là kiến nghị, đề nghị…, tức là "tên đơn một kiểu và nội dung một kiểu".
Thực tế đó đặt ra vấn đề, việc phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo cần căn cứ vào nội dung của đơn. Bởi, nếu phân loại nhầm thì việc xử lý cũng sẽ nhầm, như bác sĩ chuẩn đoán bệnh không đúng, thì phác đồ điều trị sẽ nhầm; như vậy thì công dân sẽ vẫn bức xúc khi không được trả lời, hoặc trả lời không đi vào vấn đề.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An:Có lộ trình cụ thể trong xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài
Tôi đánh giá cao việc An Giang đã phân loại được ngay từ đầu những đơn khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, An Giang có nêu vấn đề, khi đã phân loại được thì đâu là giải pháp để xử lý? Địa phương cần đưa ra các kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật, kể cả điều chỉnh trong các quy định để chúng ta xử lý vấn đề này một cách triệt để.
Tôi rất ấn tượng đối với công tác xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, đông người, kéo dài của An Giang khi UBND tỉnh đã ban hành 31 văn bản gồm 19 thông báo chấm dứt, 12 thông báo kết thúc giải quyết khiếu nại, trong đó có 12 công dân thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh và cam kết chấm dứt khiếu nại.
Tuy nhiên, tôi băn khoăn với một số vụ việc đang thực hiện theo phương án giải quyết của tỉnh. Do đó, đề nghị An Giang cần khẳng định cụ thể, bởi cứ “đang thực hiện...”, "đang giải quyết...", mà không có lộ trình thì có thể những năm sau xem xét lại có khi vẫn “đang tiếp tục giải quyết...". Đối với các vụ việc tỉnh đăng thông tin đã chấm dứt kết quả giải quyết, thì cần xem xét khả năng diễn biến của các vụ việc này như thế nào nếu trong trường hợp công dân chưa đồng ý và khả năng sẽ tiếp tục khiếu kiện.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển: Tăng cường quản lý nhà nước về địa chính, đất đai
Tôi đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của An Giang trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó lượt tiếp công dân là 7.461 lượt, với 7.165 người và số vụ việc là 7.122. Đây là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương.
Qua 8 vụ việc trên địa bàn cho thấy, một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý của chúng ta vẫn liên quan đến địa chính, dù đây là những vấn đề đã qua lịch sử rất nhiều năm để lại. Hầu hết các vụ tranh chấp xảy ra khi công dân tìm đến cơ quan chức năng đều cho thấy, không có hồ sơ địa chính hoặc đo đạc không rõ… Do đó, chúng ta cần đánh giá thật kỹ công tác quản lý tại cơ sở, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về địa chính, đất đai, đặc biệt khi Luật Đất đai năm 2014 đã có hiệu lực để bảo đảm rành mạch, rõ ràng giữa các thửa đất, nhất là giữa hồ sơ với thực địa phải "ăn khớp"…, để tránh xảy ra tranh chấp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy: Giải quyết hiệu quả khiếu nại phức tạp, kéo dài, không "dắt dây, giũ rối"
Trong thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục giải quyết hiệu quả các khiếu nại phức tạp, kéo dài với tinh thần "xong việc chứ không phải chỉ giải quyết cho hết thẩm quyền”, đồng thời, bảo đảm đúng quy định pháp luật, không làm “dắt dây, giũ rối”. Thường xuyên rà soát các vụ việc chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa phù hợp với quy định; tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và mối quan hệ phối hợp trong giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành. Tổ chức đối thoại, tiếp công dân để vận động, giải thích, công bố kết quả kiểm tra, rà soát, ban hành quyết định, thông báo kết thúc (nếu các hộ đồng thuận) hoặc thông báo chấm dứt giải quyết.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết hỗ trợ chính sách xã hội, nhưng bảo đảm nguyên tắc: “nếu người khiếu nại đồng thuận thì mới thực hiện, không được xem việc hỗ trợ là nguyên cớ phát sinh khiếu nại”. Kiên quyết trả lời dứt khoát, chấm dứt không xem xét giải quyết đối với các trường hợp đã nhận các chính sách giải quyết hỗ trợ của Nhà nước và cam kết chấm dứt khiếu nại, nay quay trở lại yêu cầu giải quyết thêm…