Tăng cường đối thoại với công dân ngay khi mới phát sinh vụ việc
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thanh Hóa Lê Bá Hòa nêu rõ, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, coi trọng thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tiếp, đối thoại với công dân và xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và thực hiện đúng quy định.
Trong giải quyết, đã nghiên cứu, linh hoạt áp dụng quy định của pháp luật để đưa ra biện pháp xử lý, giải quyết thấu tình, đạt lý; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, không còn vụ việc kéo dài thuộc diện Trung ương phải chỉ đạo xử lý, góp phần ổn định tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Do vậy, từ ngày 1.8.2023 đến 31.7.2024, tổng số đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo được các cơ quan, đơn vị tại Thanh Hóa tiếp nhận là 15.759 đơn, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đến nay đã giải quyết được 8.200 vụ việc/ 8.535 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, đạt 96%. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền… nên nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, công dân không còn khiếu kiện.
Để đạt được kết quả cao trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và người dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương trong kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài nhằm chấm dứt khiếu kiện.
Ấn tượng với các kết quả Thanh Hóa đạt được trong thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung cho rằng, bên cạnh chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thì tăng cường đối thoại với công dân ngay khi mới phát sinh hay thấy tiềm ẩn phát sinh các vụ việc khiếu kiện phức tạp cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích của tỉnh. Thực tế cho thấy, việc tăng cường đối thoại với công dân đã giúp các cơ quan hành chính, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nắm nguyên nhân mấu chốt của vụ việc, xác định nhanh các giải pháp khắc phục. Vậy trong quá trình chuẩn bị các dự án, đề án phát triển kinh tế có chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác động của triển khai dự án tới phát triển chung của địa phương hay không?
Làm rõ hơn về bài học kinh nghiệm này, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, với các dự án, chương trình đang triển khai thực hiện trên địa bàn, trong nhiều năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh thường phân công cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực xuống địa bàn thực hiện dự án để họp giao ban hàng tuần; yêu cầu báo cáo vướng mắc trong thực hiện, nội dung khiếu kiện, tố cáo của người dân liên quan đến dự án. “Đây là “lõi” giải pháp của UBND tỉnh triển khai để bảo đảm quyền lợi của người dân được giải quyết đủ và đúng cũng như có chính sách giải quyết đặc thù cho từng dự án”, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.
Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tỉnh luôn đề cao tính thống nhất, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo đảm quyền lợi của người dân. Trong đó, xác định xuyên suốt của Thanh Hóa là muốn phát triển kinh tế thì phải bảo đảm ổn định về tình hình an ninh trật tự. Do đó, yêu cầu đầu tiên là phải làm tốt công tác tiếp dân; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở; hạn chế đơn thư vượt cấp, tụ tập đông người.
Tán thành với các giải pháp được Thanh Hóa triển khai trong thời gian qua, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lò Việt Phương nêu vấn đề, dù công tác cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng hiện cán bộ thực hiện công tác này trên địa bàn vẫn không ổn định, số lượng ít, một số cán bộ phải kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ. Do vậy, Thanh Hóa cần có biện pháp khắc phục tình trạng này, chú ý tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan liên quan trực tiếp đến quản lý đất đai, vì nếu phụ thuộc vào cán bộ tiếp công dân, giải quyết đơn thư thì sẽ khó thực hiện hiệu quả các công tác này.
“Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa xác định sẽ quan tâm quy hoạch, tuyển chọn cán bộ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp với điều kiện đặc thù của công tác này nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp và ổn định. Nhưng khi lực lượng cán bộ tiếp công dân có rất ít, khối lượng nhiều, khó có thể đảm đương công việc tốt”. Chỉ ra thực tế này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung gợi mở, Thanh Hóa cần cân nhắc đưa Ban Tiếp công dân về Thanh tra tỉnh. Lực lượng thanh tra dồi dào nên có thể kết hợp vừa đi thanh tra, vừa tiếp công dân, tuyên truyền chính sách, pháp luật. Đồng thời, thông qua quá trình kết hợp công việc này chính thanh tra cũng nhìn nhận thấu đáo hơn về vụ việc, từ đó có thể xác định cách thức giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả hơn.
Ghi nhận các đề nghị của thành viên Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo sâu sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, sẽ tiếp tục xác định rõ và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là các cấp, các ngành trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phương châm “mọi khiếu kiện phải được giải quyết kịp thời”. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể để làm thật tốt công tác hòa giải ở cơ sở.