Sẽ có cơ chế thông thoáng hơn để xây dựng các trạm phát sóng
Việc đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong ba vấn đề được đưa ra chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vào thời điểm khi xảy ra dịch Covid-19 mới phát hiện khá nhiều vùng "lõm sóng". Và lúc đó, chỉ còn một cách là tổ chức dạy và học trực tuyến. Ngoài ra, trong thời gian gần đây khi chúng ta chuyển sang môi trường số nhiều hơn với hoạt động mua bán thương mại điện tử... thì mới chú ý nhiều hơn đến vùng "lõm sóng".

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong giai đoạn xảy ra dịch Covid - 19, dù chưa có nghị định mới nhưng bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản "lõm sóng". Và hiện mới phát hiện thêm hơn 700 vùng "lõm sóng" mới và thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện thêm. Cũng theo Bộ trưởng, hơn 700 trạm phát sóng xây dựng vừa qua đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Viễn thông và nghị định hướng dẫn thi hành Luật này.
Nhận trách nhiệm khi chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông mới để hướng dẫn thực hiện hoạt động viễn thông công ích, Bộ trưởng cam kết sẽ cố gắng hết sức để trong 2 tháng cuối năm sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, nêu rõ, tại Nghị định này sẽ có cơ chế thông thoáng hơn rất nhiều để xây dựng các trạm ở vùng sâu, vùng xa. “Khi Nghị định này ra đời, việc phủ sóng các vùng "lõm sóng" sẽ rất nhanh", Bộ trưởng khẳng định.

Đối với những trạm phát sóng hiện chưa vận hành được do chưa có điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã làm việc với Bộ Công Thương và trước mắt đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất, hoặc không hiệu quả, khó triển khai. Đây là giải pháp phủ sóng với các cụm dân cư "lõm sóng".
Đã có công cụ đo, đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông
Thực tế, tại Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gửi Quốc hội cũng nêu rõ, đến hết tháng 9.2024 đã thực hiện phủ sóng 2.549/3.310 thôn, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,8% dân số. Trong báo cáo này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn chỉ rõ, hạ tầng viễn thông chưa bền vững khi chịu tác động lớn của bão gây ra cũng như do mức độ kiên cố hạ tầng viễn thông chưa cao.

Cho rằng nguyên nhân đưa ra trong báo cáo của Bộ chưa đầy đủ, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết, hầu hết các thôn, xóm tại các tỉnh miền núi biên giới đã được đầu tư các trạm phát sóng di động, tuy nhiên hiệu quả chưa cao do thường xuyên mất sóng. Riêng Cao Bằng có 169 điểm đã được đầu tư, nhưng không đạt yêu cầu do thường xuyên mất sóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Khẳng định hiện đã có công cụ đo để đánh giá được chất lượng hạ tầng viễn thông (i-SPEED), Bộ trưởng cho biết, đây là công cụ mà người dân, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các sở, ngành đều có thể sử dụng được. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao nhiệm vụ này cho Sở Thông tin và Truyền thông trong đánh giá chất lượng mạng lưới ở địa phương mình. Nếu chất lượng dịch vụ không đạt tiêu chuẩn, thì sở, ngành sẽ họp với các nhà mạng và yêu cầu nhà mạng phải khắc phục, thực hiện.
Bộ trưởng cũng cho biết, hàng quý, Bộ Thông tin và Truyền thông đều tổng hợp toàn bộ số liệu đo của các nhà mạng theo từng địa phương để công bố công khai, qua đó các nhà mạng có tinh thần cạnh tranh cũng như để người dân biết mạng di động nào chất lượng để tự lựa chọn. “Đây là một giải pháp hiệu quả để các nhà mạng phải tự cạnh tranh nhau và tự đầu tư nâng cấp”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, các cơ quan chức năng không chỉ cần quan tâm phủ kín vùng "lõm sóng", mà cần quan tâm chất lượng các trạm phát sóng, thậm chí phải quan tâm thường xuyên, từng ngày, từng giờ đến việc thực hiện yêu cầu này. “Đó không chỉ là quan tâm của cơ quan chính quyền, của Nhà nước, mà là sự quan tâm của toàn xã hội, 118 triệu thuê bao di động hiện nay có thể đo đạc, đánh giá được, có địa chỉ để tiếp nhận những phản ánh về chất lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã.
Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.