Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Nguyễn Thị Thanh điều hành hội thảo. Cùng tham dự có đại diện Thường trực HĐND 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đại diện Văn phòng Chính phủ…
Phát biểu đề dẫn, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Quốc hội và HĐND là các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan dân cử. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, mặc dù Quốc hội không phải là cơ quan cấp trên của HĐND nhưng có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát hoạt động đối với HĐND. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành cũng chưa đủ rõ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử.
Từ đầu năm 2022 đến nay, qua việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị tổng kết về tổ chức và hoạt động của HĐND và 6 Hội nghị Thường trực HĐND ở 6 khu vực trên cả nước đã thu nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương về nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó có nội dung cần làm rõ mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND. Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phải là cơ quan cấp trên của HĐND hay không? Vì nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan cấp trên của HĐND thì mới có thẩm quyền hướng dẫn hoạt động để giúp HĐND các cấp thực hiện tốt hơn thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ?
Trưởng ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, từ thực tiễn và các căn cứ pháp lý rà soát lại cho đến thời điểm này mới thấy rằng cần phải có những văn bản tiếp theo để mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND các địa phương được gắn kết chặt chẽ hơn, mục tiêu là chặt chẽ, nhịp nhàng và cuối cùng là hiệu quả. Với tinh thần này, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu triển khai nghiên cứu, xây dựng 2 Đề án, trong đó có Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc họi đối với HĐND các cấp”.
Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Tổ biên tập xây dựng Đề án và gửi xin ý kiến một số chuyên gia. “Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề án, Ban Công tác đại biểu cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc để lắng nghe ý kiến trao đổi của các đồng chỉ về các nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Tiếp theo Hội nghị này, sắp tới, Ban Chỉ đạo Đề án sẽ tổ chức Hội nghị ở khu vực miền Trung và khu vực phía Nam để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện Đề án báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Trưởng Ban Công tác đại biểu gợi mở, từ đòi hỏi thực tế trong tổ chức tiến hành các hoạt động của HĐND, các đại biểu góp ý vào các nội dung của dự thảo Đề án, nhất là những khó khăn, lúng túng nào trong tiến hành các hoạt động của HĐND cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản trở thành cẩm nang hướng dẫn cơ chế, chính sách cho HĐND thực hiện. Đối với nội dung tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, giữa các cơ quan nêu trên là mối quan hệ đồng hành, phối hợp để cùng thực hiện những nhiệm vụ được giao. Như vậy, HĐND cần tăng cường sự phối hợp nào với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đã có sự tương đồng nhất định trong chức năng, nhiệm vụ?
Tại Hội thảo, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thống nhất cho rằng, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện... đã có văn bản hướng dẫn cho HĐND các tỉnh, thành phố nhanh chóng, kịp thời đáp ứng đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá cao và kỳ vọng sớm ban hành, triển khai thực hiện các giải pháp, đề xuất được quy định tại dự thảo Đề án.
Các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung cần có hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tạo cách làm thống nhất trong cả nước như: việc ban hành chính sách đặc thù của địa phương; bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy Thường trực, các Ban của HĐND; văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định cụ thể cho HĐND cấp tỉnh, huyện và xã; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động hướng dẫn, giám sát, phối hợp của các cơ quan, đại biểu dân cử trong hệ thống cơ quan dân cử các cấp…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến bổ ích của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; mong muốn Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố gửi văn bản góp ý cụ thể đến Ban Công tác đại biểu. Tổ Biên tập sẽ tập hợp, tiếp thu ý kiến các địa phương để hoàn thiện dự thảo Đề án.