Để chuẩn bị cho hoạt động này, với phương châm tạo chuyển biến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ khóa mới, tại Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi ý, nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thành lập đoàn giám sát. Việc xây dựng đề cương, nội dung giám sát sẽ giao cho đoàn giám sát thực hiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện như thế nào để huy động các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện công tác giám sát...
Sau đó không lâu, tại cuộc họp chuẩn bị cho việc triển khai 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu phải tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, xác định đây là khâu trọng yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu khách mời tham gia hai Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội; các Đoàn giám sát đã chủ động xây dựng các dự thảo kế hoạch và đề cương giám sát. Tuy nhiên do các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phạm vi rộng nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải xác định rất rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, để từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Đối với từng chuyên đề giám sát, những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, có báo cáo thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật, không phải “chạy lại từ đầu”. Đồng thời cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm: Sẽ có một số điểm khác biệt so với thông lệ trong triển khai giám sát chuyên đề lần này. Cụ thể, Đoàn giám sát sẽ quyết định thành phần, sự tham gia của các chuyên gia là đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ chủ động lựa chọn cơ quan, địa phương cụ thể để đi giám sát. Bên cạnh đó, có sự phối hợp, tham gia giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội. Các mốc thời gian trong kế hoạch không được ấn định cụ thể như trước đây và được dự kiến căn cứ theo quy định tại Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội về thời hạn gửi báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong tình hình mới, phù hợp với chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi khách quan và tất yếu. Và với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng này, chắc chắn chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nói riêng, hoạt động của Quốc hội nói chung sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi của cử tri.