Sáng tạo và chủ động trong phòng, chống dịch Covid - 19
Qua làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" đều nhận định Hà Nội là điển hình trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Thành phố luôn sẵn sàng về tinh thần, lực lượng, cơ sở vật chất để nhanh chóng chuyển trạng thái từ “phòng ngự sang chủ động tấn công”, nâng cao cấp độ trong công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hà Nội cũng triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: khoanh ổ dịch “3 lớp” tại những nơi bị cách ly, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa lao động, sản xuất, không làm đảo lộn đời sống của người dân. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để truy vết người tiếp xúc, triển khai phần mềm quản lý, điều trị người mắc Covid – 19 tại nhà góp phần giảm tải công việc, thủ tục hành chính cho nhân viên y tế và người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận, Hà Nội không những huy động được nguồn lực hỗ trợ cho chính thành phố mà còn huy động, ủng hộ nguồn lực hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Đáng lưu ý, Hà Nội còn có những cơ chế, chính sách riêng như hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên do bị ảnh hưởng của dịch Covid -19; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố; hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch… Các chính sách hỗ trợ này đều sát thực tiễn, hợp lòng dân.
Bên cạnh những điểm sáng, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đều gặp khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch Covid - 19.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 29/2018/NĐ – CP của Chính phủ, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có “hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng, cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng”. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản. Trong thời gian phòng, chống dịch vừa qua, Sở Y tế Hà Nội nhận được rất nhiều tài sản tài trợ, tặng, cho thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tài sản sau khi tiếp nhận được phân bổ cho các đơn vị trực thuộc để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hầu hết các nhà tài trợ chỉ có biên bản xác nhận tài trợ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Sở Y tế mà không ký đồng tài trợ trực tiếp với đơn vị được phân bổ hàng tài trợ. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ, tặng, cho.
"Nếu căn cứ vào Nghị định số 29 thì không thể xác lập sở hữu toàn dân với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch". Nhấn mạnh điều này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết thêm, khoản 3, Điều 4 Nghị định số 29 quy định “Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường”, thế nhưng nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản xác lập sở hữu toàn dân do chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ.
Mặt khác, theo hướng dẫn của Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính tại Văn bản số 100/QLCS – VP, đối với tài sản là trang thiết bị, vật tư y tế sử dụng một lần (bộ test kháng nguyên Covid - 19, khẩu trang y tế…) do các tổ chức, cá nhân tài trợ, cho, tặng phải thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân trước khi trình phê duyệt phương án xử lý theo quy định. Điều này gây ra những khó khăn, bất cập do trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch phải được phân bổ ngay khi tiếp nhận cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Có thể đưa tài sản vào sử dụng trước, xác lập sở hữu toàn dân sau
Trước yêu cầu cấp bách phải tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc xác lập sở hữu toàn dân với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch Covid - 19, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Bộ Y tế, Bộ Tài chính về vấn đề này. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, nếu đợi xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch rồi mới đưa vào bàn giao, sử dụng là chưa đúng, gây lãng phí tài sản, trang thiết bị. Trong khi đó, Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Như vậy, theo Nghị quyết số 30, có thể đưa tài sản vào sử dụng trước rồi xác lập sở hữu toàn dân sau.
Qua cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 30/2021/QH Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV; Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid – 19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024 đều đã có giải pháp gỡ khó trong tình huống đặc biệt, có chính sách đặc biệt để áp dụng trong thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể Nghị quyết số 80 đã giao Chính phủ thực hiện các giải pháp: rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh Covid -19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường; quyết định xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid - 19, các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid - 19; trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ…
Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
"Trong tình huống đặc biệt, cần có chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù theo đúng tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội, chứ không thể thanh toán, quyết toán, kiểm tra, giám sát, kiểm toán theo luật, nghị định trong bối cảnh bình thường được, bởi Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép áp dụng quy định khác với luật, hoặc chưa được luật quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.