Tọa đàm được tổ chức trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), là dịp để các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thêm cơ hội giao thương. Đây cũng là mốc son quan trọng và ý nghĩa trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã và đang trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và quan trong nhất tại khu vực Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Hiện, Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỷ USD trong năm 2021; Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC), các doanh nghiệp của 2 nước đã có được các cơ hội kinh doanh mới. KVECC đã giúp liên kết, phát triển và khám phá tiềm năng hợp tác giữa 2 thị trường thông qua hợp tác với các bộ ban ngành của chính quyền địa phương, cũng như chính phủ Việt Nam và các công ty có kỹ năng và công nghệ vượt trội của Hàn Quốc.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc Vũ Tiến Lộc, cốt lõi có thể quyết định thành công trong hợp tác Việt-Hàn thời gian tới không phải là các doanh nghiệp lớn mà chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, phải làm thế nào để trong hợp tác giữa hai nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa không bị đứng ngoài, để các FDI của Hàn Quốc có thể kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để họ có thể trở thành các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc.
Cũng theo ông Lộc, khi mà FDI vào Việt Nam không kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương có nghĩa là sẽ không thể bám rễ được vào thị trường Việt Nam, và từ đó chúng ta sẽ không thể xây dựng được một mối quan hệ bền vững, đó là một yêu cầu rất quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống trong phát triển kinh tế mọi nước trên thế giới. Như vậy, trong quan hệ họp tác kinh tế Việt - Hàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải trở thành xương sống chứ không phải chỉ là các tập đoàn hàng đầu. Đây chính là vấn đề đang còn hạn chế mà chúng ta cần khắc phục – ông Lộc nêu rõ.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện Hàn Quốc cho biết, hiện Hàn Quốc đang hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, nhấn mạnh việc đào tạo nhân lực rất quan trọng. Tại Hàn Quốc chi phí nhân công rất đắt, là một trong những lý do chọn Việt Nam là vấn đề chi phí nhân công. Hàn Quốccũng coi trọng việc chuyển giao kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn thì sức bật phổ quát không nhiều.
Đại diện Hàn Quốc mong muốn phía Việt Nam điều kiện cho Hàn Quốc hoàn thành việc đào tạo nhân lực công nghệ cao. Hiện nay, việc hỗ trợ nhân lực và vấn đề về hành chính là các vấn đề khó khăn với doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư Việt Nam. Mong chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn quan tâm tới cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc để các doanh nghiệp này có nhiều hơn nữa cơ hội tại Việt Nam.