Chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Nhà văn hóa thành… “nhà văn khóa”
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nhờ đó, đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Có nhiều lý do, trong đó có những lý do do lịch sử của nó. Đó là việc các thiết chế đã được xây dựng từ lâu, với thiết kế, chức năng và cả công năng sử dụng phù hợp với một thời kỳ lịch sử cụ thể. Khi đó chúng ta chưa hình dung được sự phát triển khoa học - công nghệ mạnh mẽ như ngày hôm nay. Chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực để có thể tạo ra những cơ sở vật chất xứng tầm, chưa kể tư duy quản lý, tổ chức các hoạt động ở các thiết chế văn hóa cũng rất khác.
Dù vậy, cũng phải khẳng định rằng, các thiết chế văn hóa đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân trong những năm tháng khó khăn của đất nước, giúp chúng ta có những thành tựu nhất định trong quá trình phát triển văn hóa ở cơ sở.
Tuy nhiên, những thành tựu ở quá khứ cũng không khỏa lấp được những vấn đề bức xúc của hiện đại. Đã khoảng 20 năm nay, các thiết chế văn hóa ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà văn hóa thành “nhà văn khóa”, vì chủ yếu khóa cửa, không có nhiều sinh hoạt, chủ yếu là khoảng sân dành cho các hoạt động thể dục, thể thao, còn hoạt động của nhà văn hóa liên quan đến sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, người cao tuổi... Tương tự như vậy là số phận hẩm hiu của thư viện hay bảo tàng ở nhiều địa phương, hay các công viên bị bỏ hoang, không người chăm sóc, hoặc khóa cửa để hạn chế người vào…
Dù chúng ta đều biết, về lý thuyết, các thiết chế văn hóa là các không gian công cộng, dành cho cộng đồng, là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa, nhưng một khi những mục đích căn bản đó không đạt được, thì đây là một sự lãng phí rất lớn.
Điều này càng trở nên lãng phí hơn khi chúng ta vẫn quan niệm, sử dụng cách quản lý và tổ chức hoạt động cho các thiết chế theo kiểu cũ. Bất kỳ dự án nào, bằng cách thể hiện sự quan tâm đến văn hóa, đều có hạng mục xây dựng các thiết chế như nhà văn hóa, công viên, thậm chí thư viện, rạp chiếu phim... mà chưa thực sự quan tâm đến việc làm cách nào để các thiết chế này hoạt động hiệu quả.
Cần có tư duy khác
Trong xu thế các phương tiện giải trí ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tư nhân đầu tư các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu, yêu cầu và tiêu chuẩn cao của người dân, còn các cơ quan, tổ chức Nhà nước vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế, thì việc quản lý và tổ chức hoạt động cho các thiết chế văn hóa theo mô hình cũ thực sự đã gây ra sức cản, độ ỳ rất lớn đối với các thiết chế văn hóa của Nhà nước.
Hãy tưởng tượng rằng, cán bộ văn hóa ở cơ sở chỉ quan tâm đến giờ mở cửa, đóng cửa của nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng… mà không cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho các hoạt động của mình, phát triển khán giả, thiếu những kỹ năng kinh doanh cần thiết để các thiết chế có thể trở nên sinh động, hấp dẫn, thì làm sao các thiết chế này có thể thu hút sự quan tâm của Nhân dân, cũng như đầu tư của Nhà nước?
Tôi thường chất vấn các cơ quan hữu quan, các địa phương về việc đầu tư ít ỏi cho các thiết chế văn hóa, câu trả lời thường xuyên mà tôi nhận được là đầu tư không hiệu quả, còn nhiều thiết chế văn hóa dư thừa, lãng phí... Đây đúng là vấn đề rất khó xử đối với những người yêu văn hóa. Nếu giải trình về đầu tư không hiệu quả có thể không quá khó, vì đầu tư cho văn hóa khó có thể đong đếm như kinh tế (không ai đong đếm cảm giác hạnh phúc khi xem một bộ phim, đọc một câu chuyện, chơi một trận bóng đá...) và tác động của các hoạt động văn hóa có thể lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác (cần phải tính cho văn hóa), thì việc lãng phí các thiết chế văn hóa là một bài toán khó giải hơn.
Cần có tư duy khác về phát triển thiết chế văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, quản trị tư, hợp tác công tư, sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng, hay việc áp dụng các kỹ năng kinh doanh... Đặc biệt là cần có nguồn nhân lực phù hợp thì mới giúp có những chuyển biến căn bản cho các thiết chế văn hóa. Muốn có được điều này, chúng ta lại cần có môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ để toàn xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa. Đó là những thay đổi liên quan đến pháp luật về đất đai, thuế, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, quản lý sử dụng tài sản công...
Những bài toán này lớn và khó, nhưng rất cần sớm có lời giải. Đặc biệt, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; hoàn thiện các chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, người lao động công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa.