Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; nguyên lãnh đạo Hội đồng Dân tộc qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 – 6.1.2026), thực hiện nhiệm vụ được phân công, Hội đồng Dân tộc đã xây dựng, ban hành và đang triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề tài cấp Bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, trong đó, trọng tâm là 3 nhiệm vụ.
Một là, xây dựng Báo cáo về “Lịch sử hình thành, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc”. Hai là, xây dựng, xuất bản sách, phim tài liệu về “Lịch sử hình thành, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Ba là, lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Hội thảo được tổ chức với mong muốn đánh giá khách quan nhất về những quả đã đạt được của Hội đồng Dân tộc trên các lĩnh vực trong tiến trình 80 năm xây dựng đổi mới và phát triển Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, đây là diễn đàn quan trọng để trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, pháp lý, lịch sử đối với ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Việc xác định và công nhận ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng; đây là dịp để ôn lại truyền thống, thành tựu của Hội đồng Dân tộc qua các nhiệm kỳ; nhằm tôn vinh công lao, đóng góp của đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc; khẳng định các thế hệ đại biểu dân cử hoạt động trong lĩnh vực về công tác dân tộc luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cùng với dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Trình bày bản thuyết minh ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, có 3 mốc lịch sử quan trọng là cơ sở để xác định ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc, gồm: Phương án 1, thành lập Tiểu ban Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa I theo yêu cầu nhiệm vụ; Phương án 2, thành lập Ủy ban Dân tộc vào ngày 20.4.1961 theo quy định của Hiến pháp năm 1959; Phương án 3, thành lập Hội đồng Dân tộc theo quy định Hiến pháp năm 1980, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VII.
Trên cơ sở nghiên cứu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, nếu ngày truyền thống dựa trên việc xác định ngày thành lập Tiểu ban Dân tộc từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa I theo phương án 1 là chưa đủ cơ sở pháp lý vì mới chỉ là Tiểu ban lâm thời, thành lập để thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ họp của Quốc hội, khi hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu ban tự giải thể. Nếu xác định ngày truyền thống theo phương án 3, Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc theo Hiến pháp 1980, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VII, phương án này chỉ ghi nhận quá trình thành lập của Hội đồng Dân tộc hơn 30 năm, chưa phản ánh được tầm quan trọng, bề dày lịch sử, truyền thống của Hội đồng Dân tộc, những thành tựu, đóng góp của Hội đồng Dân tộc với thành công chung của Quốc hội.
“Việc xác định ngày truyền thống trên cơ sở xác định ngày thành lập Ủy ban Dân tộc từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa II vào ngày 20.4 hàng năm theo Hiến pháp năm 1959 vừa bảo đảm cơ sở pháp lý, vừa ghi nhận được quá trình thành lập, đóng góp, cống hiến của Hội đồng Dân tộc, các thế hệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng Dân tộc từ ngày đầu thành lập”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất với đề xuất xác định ngày truyền thống của Hồng Dân tộc, đây cũng là nguyện vọng của các đại biểu là thành viên Hội đồng Dân tộc trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết lựa chọn ngày 20.4, vì đây cũng là ngày Quốc hội biểu quyết thông qua thành lập Ủy ban Dân tộc lúc bấy giờ (20.4.1961), trọng tâm đều tập trung chăm lo, phát triển vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng là mục tiêu hướng tới của Hội đồng Dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tham gia đóng góp về các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng đối với sự hình thành, phát triển của Hội đồng Dân tộc; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động tham gia lập hiến, lập pháp, giám sát, tham mưu Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Hội đồng Dân tộc qua các giai đoạn (từ năm 1946 đến nay).