Chưa có tiền lệ
- Hôm nay, Kỳ họp thứ Chín chính thức khai mạc, Quốc hội sẽ tiến hành họp trực tuyến liên tục trong khoảng 10 ngày, ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức kỳ họp theo phương thức này?
- Họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ Chín là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội, một mặt nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng mặt khác cũng cho thấy một Quốc hội luôn tìm tòi đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong muốn, nguyện vọng của đồng bào cử tri.
Khi họp trực tuyến, chắc chắn không khí ở mỗi điểm cầu sẽ không thể như không khí ở nghị trường họp tập trung. Tuy nhiên, tôi tin tưởng, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung cao nhất, toàn tâm toàn ý cho các nội dung nghị sự tại kỳ họp, đặc biệt là các nội dung sẽ họp trực tuyến. Đồng thời, các yếu tố kỹ thuật phải phát huy hiệu quả tốt nhất nhằm giúp đại biểu thực hiện tốt các quyền của mình, qua đó sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỳ họp.
- Phương thức họp trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh cả nước thực hiện phòng, chống dịch Covid - 19 trong tình trạng "bình thường mới" mà còn được đánh giá là sẽ tiết kiệm và đặc biệt sẽ mở ra phương thức làm việc mới cho Quốc hội. Dẫu vậy, khi họp trực tuyến, cũng có ý kiến lo ngại sẽ khó khăn hơn cho việc thảo luận, tranh luận của các đại biểu Quốc hội. Ông có e ngại điều này không?
- Những ngày vừa qua, công tác thử nghiệm vận hành hệ thống đã được triển khai liên tục, qua đó đã phát hiện các yếu tố chưa phù hợp nhằm khắc phục, rút kinh nghiệm để Kỳ họp, nhất là các phiên trực tuyến đạt kết quả cao nhất. Khi họp trực tuyến thì việc thực hiện các quyền tranh luận, thảo luận sẽ có những khó khăn nhất định như việc đăng ký phát biểu thì thời gian thực để xác định thứ tự trước - sau sẽ là thời gian nào khi thời gian trên Ipad của các đại biểu có thể khác nhau và khác với thời gian ở hệ thống đầu cầu Hội trường Diên Hồng. Do đó, bộ phận kỹ thuật cần tính toán đến vấn đề này, có đồng bộ thời gian trên Ipad của đại biểu Quốc hội hay không và phải có tín hiệu để đại biểu nhận biết thời điểm mở hệ thống để đăng ký phát biểu.
Bên cạnh đó, tốc độ đường truyền của 63 điểm cầu sẽ không tương đồng nên cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả đăng ký phát biểu của đại biểu Quốc hội, trường hợp đại biểu chuẩn bị rất kỹ lưỡng nội dung phát biểu nhưng yếu tố thời gian thực cũng như tốc độ đường truyền sẽ có thể làm cho đại biểu không thể thực hiện được quyền phát biểu của mình. Do đó, Văn phòng Quốc hội và các điểm cầu trực tuyến cần hết sức thận trọng xem xét các vấn đề này.
Tâm thế sẽ rất khác khi ngồi ở dãy ghế “đồng tâm”
- Họp trực tuyến còn là cách để Quốc hội kiểm nghiệm năng lực thông tin hiện có, tiến tới "Quốc hội số". Theo ông, mỗi đại biểu cần chuẩn bị gì cho các phiên họp trực tuyến này?
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các kỳ họp của Quốc hội vừa qua đã cho thấy hiệu quả. Bản thân các đại biểu Quốc hội cũng đã nhanh chóng thích nghi với việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm, thiết bị phục vụ quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả các phiên họp trực tuyến thì việc nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm, bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật, mạng kết nối... là hết sức quan trọng. Qua các phiên họp trực tuyến của Kỳ họp thứ Chín, chúng ta cũng sẽ có thêm kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng, phương thức hoạt động của Quốc hội điện tử.
- Có ý kiến đề nghị các Đoàn ĐBQH có thể mời cử tri dự khán các phiên họp trực tuyến tại Văn phòng Đoàn ĐBQH để tăng cường sự kết nối giữa cử tri với Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương có triển khai việc này không, thưa ông?
- Hiện nay, chúng tôi mới chỉ triển khai việc mời các sở, ngành tham dự các phiên họp có nội dung liên quan tại điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội theo đúng thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội thì công dân có thể dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tuy nhiên hội trường tại các điểm cầu không lớn, đồng thời trong thời gian dịch bệnh cũng sẽ rất khó thực hiện việc mời cử tri dự khán các phiên họp trực tuyến công khai của Quốc hội. Nếu mời cử tri tham dự thì tiêu chí lựa chọn để mời như thế nào cũng cần xác định rõ. Hiện tại chúng ta đã có kênh Truyền hình Quốc hội nên theo tôi, các phiên họp có thể được phát trực tuyến trên kênh truyền hình hay qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội thì người dân sẽ dễ dàng theo dõi hơn mà không nhất thiết phải dự khán tại điểm cầu.
Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát khá tốt, nếu được tôi vẫn mong muốn họp trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng, vì tâm thế của các đại biểu sẽ rất khác khi ngồi vào các dãy ghế “đồng tâm” đầy ý nghĩa của hội trường mà hội nghị trực tuyến sẽ khó có thể có được.
- Xin cảm ơn ông!