Đa số ĐBQH tán thành với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank. Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), việc tăng vốn sẽ góp phần bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng. Đồng thời, giúp ngân hàng thương mại tăng khả năng huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng; đặc biệt tín dụng của Agribank thì 70% dành cho nông nghiệp, nông thôn thì đây là yếu tố để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp |
Ảnh: Quang Khánh
Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, chi bổ sung 3.500 không phải là chi tiêu dùng mà là khoản chi đầu tư và và đầu tư phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Sau khi đọc báo cáo của kiểm toán về Agribank năm 2019 thì tổng tài sản của ngân hàng so với khi mới thành lập tăng 1.000 lần; lợi nhuận trước thuế trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.048 tỷ đồng. Cho nên, "đầu tư vào đây sẽ hiệu quả và thu hồi vốn được".
Tuy nhiên, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) còn băn khoăn về nguồn tăng vốn và thời điểm tăng vốn. Theo ĐB Tạ Văn Hạ, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 gây thiệt hại nặng nề và dự đoán sẽ có diễn biến khó lường đến bối cảnh trong nước cũng như thế giới, cùng với đó, thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn thì việc dùng nguồn vốn này có hợp lý hay không? Thời điểm tăng vốn liệu có hợp lý khi hiện tại nền kinh tế còn găp nhiều khó khăn? ĐB Tạ Văn Hạ đề nghị, cần cân nhắc về nguồn tăng vốn để bảo đảm an toàn cân đối thu chi ngân sách của năm 2020.
Nhấn mạnh vấn đề ngân sách nhà nước phải được bảo đảm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị phải có giám sát, có kiểm tra, nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ, tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.
+ Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) |
Ảnh: Quang Khánh
+ Trước đó, với 94,41% tổng số ĐBQH tán thành, trong phiên họp chiều nay, 10.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24.11.2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24.11.2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31.12.2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.