Còn “đem con, bỏ chợ”
Khẳng định việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã giúp người lao động có cơ hội mưu sinh, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song trăn trở lớn nhất của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là lao động đi làm việc ở nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là bị lạm dụng quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), những người xuất khẩu lao động phần lớn đều gặp khó khăn về tài chính, khi đi lao động nước ngoài là buộc phải vay và gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng thương mại (quy định tại Điều 27, dự thảo Luật). Trong trường hợp tranh chấp với người lao động vi phạm hợp đồng, đương nhiên ngân hàng sẽ dùng tiền ký quỹ của người lao động thanh toán cho doanh nghiệp. Trường hợp ngược lại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải trả cho người lao động khi có khiếu nại. Tuy nhiên, doanh nghiệp có trả hay không, khi nào trả và nếu không trả thì xử lý như thế nào lại chưa được quy định trong dự thảo Luật.
Mặt khác, dù người lao động phải trả tất cả chi phí đào tạo, kể cả chi phí môi giới lao động, nhưng chúng ta lại không có cơ chế để người lao động được đánh giá chất lượng dịch vụ, đào tạo do chính họ trả tiền. Người lao động cũng chưa chắc chắn được tiếp nhận việc làm sau khi đào tạo, cũng không kiểm soát được liệu mình đã trả tiền môi giới cho đúng thị trường mà mình được đưa đi lao động hay không... Đây là thực trạng rất đáng buồn mà đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ ra.
Một quy định nữa cũng đang mâu thuẫn là quy định tiền dịch vụ mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp vốn không phù hợp với xu hướng quốc tế. ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, dù tại Khoản 1, Điều 25 dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp bên nước ngoài phải trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp. Nhưng dù bên nước ngoài có trả hay không thì với Khoản 4, Điều 25 dự thảo Luật, người lao động vẫn phải trả tiền dịch vụ. Vậy điều khoản bổ sung này có ý nghĩa gì với người lao động? Sự tiếp tục tồn tại của tiền dịch vụ cùng tiền ký quỹ mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng không phù hợp với Công ước 181 phải chăng đã làm cho nhận định lao động di cư Việt Nam đang chịu phí lao động cao nhất mà báo cáo giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nêu chưa có hồi kết? - đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi.
Dù phải trả phí lao động cao nhất, nhưng thực trạng “đem con bỏ chợ” của các doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục. Một số đại biểu thông tin, nhiều cán bộ địa phương trong khảo sát của ILO cho biết, doanh nghiệp không sẵn sàng chịu trách nhiệm của mình sau khi người lao động xuất cảnh. Những thiên đường mà nhiều doanh nghiệp cố sức tô vẽ đã phần nào minh chứng cho nhận định của Giám đốc ILO tại Việt Nam “không phải tất cả lao động Việt Nam được tiếp cận tổ chức tuyển dụng có đạo đức và công bằng”.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường |
Ảnh: Văn Điệp
Cần chặt chẽ và trách nhiệm hơn
Có lẽ cũng đã nhìn thấy những hạn chế trên nên Điểm e Khoản 2 Điều 28 của dự thảo Luật đã bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp, phải có nhân viênnghiệp vụ quản lý, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài bảo đảm cung cấp, trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần. Tiếc rằng, trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm nghĩa vụ này lại không có bất kỳ chế tài nào. Chỉ ra sơ hở này, đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn: "không ít lần chúng ta kết luận về người lao động di cư vi phạm pháp luật, phá hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, thậm chí làm mất thể diện quốc gia, nhưng không bao giờ nghe rằng lao động di cư Việt Nam phải bỏ ra số tiền nhiều nhất và mất nhiều thời gian nhất để trả nợ”. Đây có phải nguyên nhân thôi thúc họ làm việc bất hợp pháp để kiếm tiền?
Có lần nào chúng ta đặt vấn đề người lao động làm mất thể diện quốc gia trong tương quan với chỉ tiêu xuất khẩu lao động và tình trạng một số doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún chạy theo số lượng chật vật đã rút ngắn thời gian đào tạo, tư vấn tuyển chọn không chính xác, khiến chất lượng lao động không bảo đảm yêu cầu mà báo cáo tổng kết đã nêu? Một sinh viên được đào tạo bài bản khi du học còn lúng túng với ngôn ngữ và văn hóa xứ người, thì lao động di cư vừa học nghề, vừa học ngoại ngữ, văn hóa, pháp luật của người bản xứ chỉ trong thời gian ngắn ngủi, chưa kể đào tạo kém chất lượng thì lỗi này thuộc về ai? Hàng loạt câu hỏi được đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt ra trong phiên thảo luận chiều qua.
Còn nhiều tiếng nói và những cảnh đời của lao động di cư rất cần sự lắng nghe của các nhà hoạch định chính sách. Nhấn mạnh điều này, các đại biểu cũng yêu cầu, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) lần này phải thật sự là "tấm bản đồ" chỉ rõ "đường đi lối về" cho lao động di cư. Với 2,5 tỷ USD gửi về quê hương hàng năm, người lao động có quyền đòi hỏi một khung pháp lý chặt chẽ hơn và trách nhiệm hơn.