Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí nâng Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế thành Luật Thỏa thuận quốc tế. Việc xây dựng, ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ tiếp tục khẳng định những thành công trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế thời gian qua, từng bước thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ hợp tác, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, góp phần giữ vững độc lập tự chủ của quốc gia, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, góp phần giữ vững hòa bình khu vực và thế giới. “Trong bối cảnh nước ta đã và đang hội nhập sâu và rộng với quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho ký kết các thỏa thuận với các đối tác quốc tế. Đồng thời, cũng giúp cho các chủ thể ký kết không gặp những sai sót, qua đó mang lại lợi ích cho đất nước”, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhấn mạnh.
Về phạm vi điều chỉnh, các ĐBQH thống nhất, không quy định việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi và các nhà tài trợ nước ngoài trong dự thảo Luật này. Ngoài ra, tại dự thảo Luật cũng sẽ không quy định về: Thỏa thuận về cho vay, viện trợ; Thỏa thuận về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; Thỏa thuận viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài; Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư… Các nội dung này, theo các đại biểu, cần được quy định ở các văn bản pháp luật khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, cần bổ sung thêm một số quy định để đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư. Thực tế, trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài. Các tranh chấp này có thể phát sinh do cam kết của các địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các thỏa thuận quốc tế được ký kết. Thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, để tăng cường quản lý đối với thỏa thuận quốc tế về đầu tư theo một số đại biểu, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư.
So với Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế năm 2007, dự án Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với việc ký kết các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư tại khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật. Song, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc trong thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đặc biệt đối với các thỏa thuận quốc tế là bảo lãnh Chính phủ. Trong đó, điều kiện tiên quyết để được ký thỏa thuận quốc tế; quy định rõ các trường hợp cho phép bên ký kết Việt Nam được quyền chấm dứt thỏa thuận quốc tế; quy định về tài sản bảo đảm cho quyền truy đòi.