Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết để thi hành Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết quan trọng của Đảng về quân sự, quốc phòng, Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ngày càng vững mạnh, phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng yêu cầu phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động toàn diện để thể chế hóa đầy đủ các các chủ trương, chính sách lớn về công tác nhiệm vụ, biên phòng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Nhiều ý kiến ghi nhận vai trò, vị trí quan trọng của lực lượng biên phòng. Theo ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên), lực lượng biên phòng thường xuyên ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, rất vất vả. Vì vậy, đại biểu mong muốn có một dự án Luật với chất lượng tốt nhất cho lực lượng này. Đáng tiếc, dự thảo Luật chưa xác định đúng vai trò, vị trí của lực lượng biên phòng. ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chỉ ra, quy định trong dự thảo Luật được hiểu: lực lượng biên phòng mới chỉ là lực lượng chuyên trách chứ chưa phải là nòng cốt. Soi rọi cả 9 nhiệm vụ biên phòng tại Điều 5, dự thảo Luật, đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, lực lượng chủ chốt là biên phòng, nhiệm vụ nêu ra đều là công việc hàng ngày của lực lượng biên phòng. Tất nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng có nhiều lực lượng khác nhau, nhưng lực lượng biên phòng phải là nòng cốt. Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, chỉ khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. lúc đó lực lượng vũ trang mới là nòng cốt.
Một số ĐBQH đề nghị tiếp tục đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá đầy đủ các quy định về xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới, phân định rõ phạm vi điều chỉnh của luật này với các luật khác, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ khái niệm biên phòng, biên phòng toàn dân để bảo đảm đầy đủ, phù hợp bao quát hơn. Rà soát về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, công tác phối hợp giữa các lực lượng, hợp tác quốc tế về biên phòng… đúng với tính chất, vai trò của lực lượng này – lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đồng thời, phải phân định rõ nhiệm vụ, chức năng, chức trách, công tác phối hợp của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác ở khu vực biên giới, nhất là công an, hải quan, cảnh sát biển. Quy định rõ hơn các chế độ, chính sách về biên phòng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho bộ đội biên phòng.