Theo đó, Luật này bao gồm 11 Chương, 101 Điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Luật được áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Luật này quy định 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định: Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; hạ tầng công nghệ thông tin. Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng. Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo. Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M.
Cũng theo Luật này, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây. Một là, sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Hai là, ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên. Ba là, sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên. Bốn là, di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác. Năm là, dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định, đó là đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền trình Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; trường hợp dự án có sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư của dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cơ quan của Quốc hội thẩm tra hồ sơ do Chính phủ trình. Cuối cùng, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án.