Nghị quyết của Quốc hội quy định rõ, việc công nhận và cho thi hành phán quyết, có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là CHXHCN Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10.6.1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là CHXHCN Việt Nam.
Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là CHXHCN Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành phán quyết có đơn yêu cầu.
Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, phán quyết được ban hành đối với bị đơn là EU hoặc nước thành viên EU được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu. Bên cạnh đó, phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết của Quốc hội ghi rõ, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định tại các khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định, phán quyết đối với bị đơn là Việt Nam sẽ được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn để người có quyền yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài là 3 năm. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị, Nghị quyết cần có quy định để xử lý điểm khác nhau này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiệp định thì trường hợp Việt Nam là bị đơn, sẽ có khoảng thời gian được áp dụng ngoại lệ. Theo đó, phán quyết được ban hành bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian này sẽ được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài và Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận hoặc không công nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Đồng thời, nguyên đơn có thời hạn 3 năm kể từ ngày ban hành phán quyết để gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành (khoản 1 Điều 451 Bộ luật Tố tụng dân sự). Quá thời hạn đó, nguyên đơn không còn quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành phán quyết. Như vậy, hai loại thời hạn nêu trên hoàn toàn độc lập, không mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý quy định tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình về việc Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA. Đồng thời, đề nghị cân nhắc nội dung quy định tại khoản 4, Điều 2 “Quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết theo các khoản 2 và 3 Điều này không bị kháng cáo, kháng nghị” vì phải bảo đảm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong thời gian Việt Nam được hưởng ngoại lệ thì phán quyết đối với bị đơn Việt Nam được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận phán quyết đó. Nội dung này phù hợp với Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà nước ta là thành viên.
Sau khi hết thời hạn nói trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 3.57 thì phán quyết chung thẩm đối với bị đơn là Việt Nam đương nhiên được công nhận là bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và sẽ được cho thi hành khi có yêu cầu; “không bị kháng cáo, xem xét lại, hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu hoặc bất kỳ sửa đổi nào khác” (điểm b, khoản 1 Điều 3.57). Vì vậy, việc không cho phép kháng cáo hay kháng nghị các trường hợp trên là nhằm bảo đảm thực thi đúng quy định của EVIPA. Tuy nhiên, do vấn đề này đã được quy định rõ trong EVIPA và để tránh gây hiểu nhầm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ khoản 4, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình.