Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Nghị quyết quy định, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chú trọng xem xét những vấn đề liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát thường xuyên đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em.
Đối với Chính phủ, Nghị quyết quy định rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ trẻ em bị xâm hại. Trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.
Nghị quyết cũng quy định rõ, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông dành các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng internet, mạng xã hội; cung cấp thông tin, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho các bậc cha, mẹ học sinh.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Điều tra viên.
Nghị quyết cũng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đồng thời, nắm đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn đạt 100% số vụ án xâm hại trẻ em và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Kiểm sát viên. Đồng thời, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê về các tội phạm mà trẻ em là đối tượng bị xâm hại.
Toà án nhân dân tối cao tiếp tục hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em có vướng mắc qua tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, áp dụng hình phạt nghiêm minh với người phạm tội xâm hại trẻ em; bảo đảm yêu cầu xét xử thân thiện, tiếp tục triển khai việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; tỷ lệ xét xử, giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Thẩm phán.