Chỉ đạt mục đích về quản lý
Là chính sách mới, quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tại Khoản 5, Điều 92, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), quy định này chưa phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, cụ thể là phải bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người chưa thành niên và phải bảo đảm tính tương thích với các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là một số công ước quốc tế về quyền con người.
“Quy định này chỉ có thể đạt mục đích tăng cường quản lý nhà nước, nhưng lại chưa phù hợp về nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chưa thỏa mãn mục tiêu áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên, đó là giáo dục, ngăn ngừa, chứ không phải là để trừng phạt”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Một số ĐBQH cũng lưu ý, ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, dù trong hoàn cảnh nào, thuộc đối tượng nào thì suy cho cùng cũng chỉ là trẻ em, là vị thành niên, là người yếu thế. Trong khi đó, khi xây dựng Luật Trẻ em năm 2016, chúng ta đều mong muốn phải tạo môi trường an toàn và giúp cho các em có thể hòa nhập với cộng đồng. Nếu như dự thảo Luật đưa nhóm đối tượng nêu trên vào các trường giáo dưỡng thì phải chăng chúng ta sẽ tước mất quyền được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt cũng như quyền được hỗ trợ, can thiệp đặc biệt theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trẻ em?
Nghiện ma túy được giới chuyên môn y tế xác định là một loại bệnh tâm thần đặc biệt. Từ góc nhìn này, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu rõ, việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người từ 12 đến 18 tuổi là chưa đúng bản chất vấn đề. Cai nghiện ma túy là quá trình điều trị bệnh. Chỉ có cơ sở điều trị bệnh mới có thể thực hiện tốt việc cai nghiện. Ngược lại, trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục chứ không phải cơ sở cai nghiện.
Vẫn nên áp dụng cai nghiện cộng đồng, gia đình
Cùng quan điểm nêu trên, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn, trường giáo dưỡng là nơi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, với những người có hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; môi trường và biện pháp giáo dục cho từng đối tượng khác nhau nhưng đều mang tính chất là trừng phạt. Đây cũng là nơi không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy, không có lực lượng, đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên sâu, nên không bảo đảm tính toàn diện, bao quát, không mang lại kết quả bền vững trong quá trình trợ giúp, giải quyết vấn đề gặp phải của trẻ đang sử dụng ma túy. Vì thế, quy định tại Khoản 5, Điều 92 chưa thật sự phù hợp với chính sách đặc biệt dành cho trẻ em.
Hơn nữa, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng dễ gây ra việc trẻ tự "dán nhãn" mình là người làm trái luật, có tỳ vết về nhân phẩm, đạo đức. Đó chính rào cản về nhận thức, quan niệm xã hội hiện nay cứ bước ra từ trại giáo dưỡng có nghĩa là quá khứ của trẻ đã có một vệt xám. Với những phân tích nêu trên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị, khi chưa có đánh giá tác động thực hiện nguồn lực vào các điều kiện bảo đảm thi hành biện pháp này đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, thì trước mắt vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cai nghiện cộng đồng, gia đình, hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy.
Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về quản lý nhà nước về trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua phiên giám sát, chúng ta cũng đã truy diện từng góc nhìn, từng lát cắt, từng thân phận, từng nỗi đau của con người đang trong độ tuổi vị thành niên. Ở đó không chỉ có những thương tổn của nạn nhân bị xâm hại mà còn là sự sám hối của trẻ vị thành niên đã lầm lỡ, bôi một vết mờ vào tương lai của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó cho thấy, việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ vị thành niên không chỉ có những khoảng trống trong xây dựng chính sách pháp luật, mà còn có khoảng cách khá lớn trong việc thụ hưởng hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội của Nhà nước và có vẻ như công tác quản lý nhà nước về giữ gìn an ninh trật tự và công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở điểm này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Từ những phân tích này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tha thiết, đối với người sử dụng trái phép chất ma túy hay sử dụng chất ma túy nhiều lần còn đang trong độ tuổi vị thành niên, ngoài áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm giúp trẻ thoát khỏi môi trường nhiều cạm bẫy, thì việc đánh giá chính sách, lựa chọn sử dụng thuật ngữ trong xây dựng chính sách, thực thi pháp luật, từ góc nhìn nhân văn theo chuyên ngành công tác xã hội, rất đáng được lưu tâm.