Tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40%
Bên cạnh các tiêu chuẩn hiện hành với đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung tiêu chuẩn: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, diều 27 của Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân từ đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội. Tức là, Hiến pháp chỉ quy định điều kiện về độ tuổi tối thiểu của người ứng cử vào ĐBQH mà không có sự phân biệt đối xử hay hạn chế về thành phần xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn… Do vậy, ngoài các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc (như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến…) thì sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử thì phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự. Những nội dung, quy định này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện, cụ thể hóa yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người được giới thiệu ứng cử đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của cử tri, phục vụ trực tiếp cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV sắp tới. Để nâng cao chất lượng của ĐBQH nói chung thì từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử ĐBQH để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm ĐBQH. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.
Về ĐBQH hoạt động chuyên trách, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định, số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. ĐBQH hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập. ĐBQH hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.
Số lượng và danh sách ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn. Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý công tác cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách của địa phương mình theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND là cơ quan giúp việc cho Đoàn ĐBQH
Về bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ thì kết quả tổng kết sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm cho thấy việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho 3 cơ quan theo mô hình thí điểm quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh. Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm sẽ chuyển ngay sang mô hình nêu trên; ở các địa phương còn lại thì sẽ hoàn thành việc chuyển giao và thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Do vậy, khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi theo hướng: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tại địa phương.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định rõ: Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn ĐBQH, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động choVăn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách; đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đổi tên Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội sẽ thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Ngoài ra, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết số 1097 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.