Đơn giản hoá các thủ tục hành chính
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH Lê Nhật Thành đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật còn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường đầu tư tại Việt Nam.
"Do vậy, tôi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay", ĐBQH Lê Nhật Thành nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH Lê Nhật Thành cho rằng dự thảo luật lần này sửa đổi tại các Điều 7 và Điều 9 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Việc nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá so sánh về khả năng mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, dự thảo luật có sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ, trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. "Việc Chính phủ đề xuất mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị nhằm phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử thời gian qua là phù hợp", ĐBQH Lê Nhật Thành nêu rõ.
Chuyển đổi số phục vụ cho công tác xuất, nhập cảnh
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thực hiện các thủ tục liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thi hành các luật hiện nay.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ cũng nêu rõ về hồ sơ, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông quy định tại Điều 15 và Điều 16 của luật cần được đơn giản hóa hơn nữa các loại giấy tờ có liên quan và thủ tục thực hiện việc cấp hộ chiếu, nhằm tận dụng một cách tối đa tính liên thông sẵn có của các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được kết nối và phù hợp với yêu cầu giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.
Còn ĐBQH Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công an trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt trong việc thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó là cơ sở quan trọng trong việc mở rộng và tăng cường việc áp dụng visa điện tử, áp dụng quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của đất nước.
Riêng đối với việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu đề nghị nâng lên tối thiểu lên mức từ 15 đến 60 ngày vì nếu chúng ta nâng lên mức 45 ngày thì mới là mức bình quân trong khu vực. "Tôi nghĩ mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh xuất nhập cảnh. Do đó, tôi đề nghị nâng mức miễn thị thực lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN", ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề xuất.