Khẳng định vai trò, vị thế của thanh niên
Chất lượng tốt hơn thể hiện ngay ở việc dự thảo Luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực mà chỉ dành 1 điều tại phần Những quy định chung quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó, thay vì quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) |
Ảnh: Q. Khánh |
Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên vừa tránh được sự trùng lặp, chồng chéo với các đạo luật khác, vừa bảo đảm tính khả thi của điều luật; thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên. Theo đánh giá của ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể liên quan; từ đó, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của thanh niên; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện các trách nhiệm của mình. Nhiều ý kiến khác đồng tình rằng, quy định của dự thảo Luật đã thể chế hóa được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, giúp từng cá nhân thanh niên thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng thanh niên trong thời đại mới.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, một trong những nội dung nổi bật của dự thảo Luật so với Luật Thanh niên 2005 là quy định về đối thoại với thanh niên được quy định tại Điều 10, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, cũng như đề xuất giải pháp đối với những vấn đề liên quan đến thanh niên. Dự thảo Luật đã quy định về thời gian đối thoại, thời gian trả lời đối thoại và công khai đối thoại.
Tuy nhiên, để cụ thể hơn nữa, đại biểu đề nghị bổ sung một điều khoản về nội dung này, quy định nội dung đối thoại với thanh niên như: Chính sách định hướng phát triển thanh niên trong từng giai đoạn; những vấn đề thiết thân của thanh niên; những vấn đề xã hội có tác động đến thanh niên; những vấn đề tạo dự luận xã hội có liên quan đến thanh niên… Bởi càng quy định cụ thể trong luật thì các cuộc đối thoại với thanh niên sẽ càng bảo đảm tính thực chất.
Cần quy định chi tiết chính sách với thanh niên có tài
Khi cho ý kiến về dự thảo Luật tại kỳ họp trước, mặc dù có quan điểm cho rằng “thanh niên sức dài vai rộng, Nhà nước không cần phải có chính sách này, chính sách kia dành cho thanh niên”. Tuy nhiên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước”. Xuất phát từ quan điểm đó, các ĐBQH nhấn mạnh, cần đặt niềm tin vào chủ nhân tương lai của đất nước. Việc quy định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên trong dự thảo Luật là rất cần thiết nhằm bồi dưỡng, phát triển thanh niên, tạo thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến.
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng: Không quy định các chính sách cụ thể mà dành hẳn một chương gồm 11 điều quy định về các chính sách chung của Nhà nước trong các lĩnh vực như: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Những quy định này thể hiện quan điểm, định hướng, giải pháp và cũng là cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc giúp thanh niên phát triển toàn diện, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên năm 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo Luật quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù bao gồm thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước.
ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định những chính sách chung mang tính định hướng trên những lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên cũng như với những đối tượng thanh niên đặc thù. Đại biểu cũng kiến nghị, các chính sách của Nhà nước cần tương thích với Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN với 4 lĩnh vực cơ bản: Giáo dục; sức khỏe và hạnh phúc; việc làm và cơ hội; sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và dân sự, để có sự tương đồng về chiến lược phát triển thanh niên của các nước trong khu vực.
Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu vấn đề: Trong hồ sơ dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội 3 dự thảo nghị định đi kèm dự thảo Luật, trong khi 2/3 dự thảo nghị định đã quy định đầy đủ và chi tiết, còn dự thảo Nghị định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng lại quy định rất sơ sài. Nhấn mạnh sự cần thiết quy định chi tiết nội dung này trong văn bản dưới luật, nhằm tránh nảy sinh các ý kiến khác nhau, song đại biểu cũng đặt câu hỏi: “Tại sao trong dự thảo Nghị định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng, Chính phủ vẫn không quy định được chính sách phát triển đối với thanh niên có tài năng là như thế nào; cũng không quy định được việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng họ ra sao… Xin hỏi tại sao các điều khoản này không thể quy định chi tiết? Phải chăng quá khó để thực hiện?”. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn chỉnh nội dung này theo các quy định trong dự thảo Luật.
ĐBQH Tô Ái Vang đề nghị bổ sung khái niệm “thanh niên có tài năng” trong dự thảo Luật, bởi khái niệm “có tài” là rất rộng và đâu là tiêu chí để đánh giá, công nhận thanh niên có tài năng trong từng lĩnh vực (?). Cùng với khung tiêu chí đánh giá, đại biểu kiến nghị cần có khung cơ chế, chính sách đối với đối tượng này, bao gồm chính sách của nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ thanh niên có tài năng, tránh áp dụng tùy tiện. Đặc biệt, tại Khoản 2, Điều 24, dự thảo Luật cần quy định thống nhất việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài, bởi hiện nay mỗi địa phương áp dụng theo một cách khác nhau và những tỉnh nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số … thì việc “giữ chân” nhân tài rất khó khăn.
Khẳng định các ý kiến của ĐBQH đã được ghi âm và ghi chép đầy đủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu là rất cần thiết cho quá trình hoàn thiện dự thảo luật, "thể hiện trách nhiệm và thái độ chính trị đối với thanh niên - nguồn nhân lực tương lai của đất nước".