Thống nhất đầu mối về quy hoạch ngành liên quan
Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, có thể nói là đã thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Theo đó, Luật gồm 16 chương, 260 điều, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách.
Cụ thể,Luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung chủ yếu của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Theo đó,nội dung này được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 243, với nội dung: “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm những nội dung: Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất; Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới; Định hướng sử dụng đất quốc gia, vùng kinh tế - xã hội, tầm nhìn sử dụng đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch”.
So với Luật Quy hoạch 2017, cácquy định mới đã nêu cụ thể định hướng, tầm nhìn sử dụng đất; xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể. Việc ban hành các tiêu chí cụ thể đối với từng loại đất sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý về đất đai xác định các tiêu chí phù hợp, chính xác.
Luật Đất đai 2024 cũng đã bổ sung quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Theo đó, tại khoản 2 Điều 243 Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 25 Luật Quy hoạch, cụ thể “Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh bao gồm những nội dung: Định hướng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh. Xác định nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh trong kỳ quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh cho từng kỳ kế hoạch 5 năm. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh”. Việc bổ sung quy định này rất quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng ổn định, lâu dài đối với việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh; đồng thời giúp cho việc quy hoạch, sử dụng các loại đất này đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Một điểm đáng lưu tâm, đó là Luật Đất đai 2024 đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch ngành quốc gia. Theo đó, tại khoản 2 Điều 243 đã sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 25 Luật Quy hoạch, cụ thể: “Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch ngành quốc gia tại các khoản 3, 4, 4a, 5, và 6 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch ngành quốc gia. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại các khoản 3, 4, 4a, 5, và 6 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”. Việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch ngành quốc gia sẽ tạo ra sự chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về đất đai và thống nhất đầu mối về quy hoạch ngành liên quan.
Định hướng sử dụng đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đó là định hướng sử dụng đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Trước đây theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, trong quy hoạch tỉnh có nội dung “Phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”. Tuy nhiên, hiện nay theo khoản 3 Điều 243 Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi quy định này thành “Định hướng sử dụng đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”. Việc định hướng sử dụng đất sẽ tạo điều kiện cấp huyện trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của địa phương là cấp huyện và cấp xã trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tại khoản 4 Điều 243 bổ sung quy hoạch số thứ tự 1a vào trước số thứ tự 1 của Phụ lục II Luật Quy hoạch về Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành như sau: Tên quy hoạch (1a. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh) và Văn bản quy định (Luật Đất đai số 31/2024/QH15).
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 243 Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi đoạn mở đầu của khoản 4 Điều 25 Luật Quy hoạch 2017 như sau: “Quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia, trừ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh, bao gồm những nội dung sau đây"... Như vậy, quy định mới chỉ sửa đổi đoạn mở đầu nhằm loại trừ các loại quy hoạch sử dụng đất có tính riêng biệt, đặc thù là đất quốc phòng, an ninh.
Cũng tại Điều 253 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể về việc chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh khi rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 của Luật. Đối với địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
Có thể nói, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, đặc biệt là bổ sung, sửa đổi các nội dung về quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 theo hướng chặt chẽ, cụ thể, chi tiết, nhưng cũng tạo sự chủ động, linh hoạt trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý về đất đai, người sử dụng đất thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.