Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10.2016 ước đạt 368.000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay ước đạt 4,2 triệu tấn, thu về 1,9 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên tính bình quân giá gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2016 đạt 449 USD/tấn thì giá trị vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 9 tháng, một số thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đạt tăng trưởng khá. Ghana, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 11% thị phần) trong 9 tháng qua đã nhập 387.700 tấn gạo, đạt kim ngạch 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường Angola trong 9 tháng năm nay nhập khẩu tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị.
Việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng lượng bán vào các quốc gia châu Phi được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá là tích cực. Ông Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty CP Hưng Lâm, An Giang, một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gạo vào Ghana cho biết, Ghana hay các nước châu Phi luôn có nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam. Lý do, Việt Nam có thể sản xuất được những loại gạo phân khúc trung bình và mức giá phải chăng, đáp ứng được yêu cầu của các nước này. Vì thế, theo ông Lâm, gạo Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng thị phần vào châu Phi trong những năm tới.
Tuy nhiên, một số thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đang có sự sụt giảm mạnh. Điển hình là Trung Quốc, thị trường lớn nhất nhập gạo Việt Nam (35,4% thị phần), trong 9 tháng năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hong Kong (Trung Quốc) giảm 11,4%. Điều này cho thấy xuất khẩu gạo chất lượng cao đang thụt lùi, đặc biệt là tại các thị trường có rào cản kỹ thuật cao.
Theo GS.Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ, là một trong những quốc gia cung cấp gạo hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam còn quá ít thương hiệu gạo sạch, gạo chất lượng cao. Để có hướng đi vững chắc của gạo ngon cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ông Võ Tòng Xuân đề xuất, trước hết cần bình tuyển ngay trong quần thể các giống đang phổ biến, chọn 2 - 3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam. Về lâu dài, cần áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường. Tiếp đến là tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số các giống đã chọn, nhận diện doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, đóng gói, bao bì, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.
Theo ông Võ Tòng Xuân, gạo Việt Nam cần được Nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay. “Giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã kiểu mới, gắn hợp tác xã với doanh nghiệp trong một cơ chế theo chuỗi giá trị. Chấm dứt kiểu làm chộp giật, pha trộn, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay”, ông Võ Tòng Xuân nói.