Khi hiệu quả gặp gỡ với dân chủ
Thông thường, soạn thảo luật một cách thủ công có thể mất hàng tháng; các công cụ AI rút ngắn 50 - 70% thời gian này bằng cách tự động hóa nghiên cứu và kiểm tra xung đột pháp lý của các điều khoản luật, giúp các nhà lập pháp tập trung vào các vấn đề có ý nghĩa xã hội hơn là học thuật.
Hiệu quả này được cụ thể bằng những dự luật đã được AI tham gia. Chẳng hạn, vào năm 2023, Quốc hội đã thực hiện một cuộc cải cách lớn đối với thuế doanh nghiệp. Quá trình này, vốn thường là một mê cung của các cuộc tham vấn với các bên liên quan và đánh giá pháp lý, đã được hoàn thành với tốc độ phi thường nhờ AI.
Ở bước đầu tiên, soạn thảo dự luật, một công cụ AI, được đào tạo dựa trên các chỉ thị thuế của EU và các luật hiện hành của Estonia đã tạo ra một bản nháp sơ bộ. Trên cơ sở “bản nháp” này, các chuyên gia pháp lý và các luật sư đã hoàn thiện dự luật. Quá trình này đã giúp rút ngắn phần lớn thời gian.
Ở giai đoạn hai, đánh giá tác động, AI đã mô hình hóa kết quả cho hơn 20 kịch bản, dự đoán sự thay đổi doanh thu và phản ứng của doanh nghiệp.
Ở giai đoạn ba là lấy ý kiến hơn 8.000 công dân và doanh nghiệp đã gửi phản hồi qua Osale.ee. Trên cơ sở đó, AI đã phân nhóm các phản hồi, làm nổi bật sự ủng hộ rộng rãi cho các ưu đãi nhắm vào các startup công nghệ xanh.

AI sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của nghị viện. Nguồn: Linkin
Kết quả là dự luật đã được thông qua trong 6 tháng, rút ngắn một nửa thời gian thông thường và cũng ít phải sửa đổi sau khi được trình ra Quốc hội.
Hoặc Dự luật về sử dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế (2023) được AI hỗ trợ soạn thảo chỉ trong 3 tuần, so với 4 tháng bằng phương pháp truyền thống.
Quá trình sử dụng AI giảm tối đa sai sót, giúp cho các dự thảo luật khi ra đến Quốc hội đã gần như không phải chỉnh sửa (giảm sai sót tới 85%).
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của AI trong lấy ý kiến và phân tích ý kiến công chúng, các dự luật đã gần dân hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, trong cuộc tranh luận về cải cách y tế năm 2023, 15% sửa đổi do người dân đề xuất đã được đưa vào dự luật cuối cùng.
“AI không đưa ra quyết định, nhưng AI đã giúp chúng tôi có thông tin tốt hơn để ra quyết định”, ông Toomas Kivimägi, Chủ tịch Ủy ban Tài chính của Quốc hội Estonia cho biết.
Xử lý những câu hỏi về đạo đức
Việc ứng dụng AI trong quy trình lập pháp cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về đạo đức, chẳng hạn những người hoài nghi cho rằng khi AI là bên viết luật, ai sẽ chịu trách nhiệm? Các nghị sĩ hay AI? Estonia đã chứng minh có thể ứng dụng AI mạnh mẽ trong lập pháp mà vẫn bảo đảm các nguyên tắc đạo đức cơ bản.
Loại bỏ thiên kiến do máy móc: các hệ thống AI chỉ “học” từ dữ liệu có sẵn, điều này có thể chứa đựng những thiên kiến xã hội. Ví dụ, từng xảy ra tình trạng một công cụ AI của Quốc hội đã trích dẫn không tương xứng các luật do nam giới soạn thảo, phản ánh sự mất cân bằng giới tính trong chính trị. Để khắc phục điều này, Quốc hội Estonia hiện đang sử dụng các “bộ kiểm tra yếu tố thiên kiến đặc biệt”, do các phòng thí nghiệm độc lập thực hiện. Bộ kiểm tra này có trách nhiệm kiểm tra bất kỳ nguy cơ thiên kiến về giới tính, vùng miền, nhóm thu nhập trong các điều khoản luật. Nhờ đó, năm 2023, hệ thống đã phát hiện và loại bỏ 47 đề xuất có dấu hiệu thiên vị trong dự thảo Luật Việc làm.
Xử lý vấn đề trách nhiệm: một trong những câu hỏi đạo đức lớn nhất là: khi một luật hỗ trợ bởi AI dẫn đến những hậu quả không mong muốn, ai sẽ chịu trách nhiệm? Giải pháp của Estonia là: con người luôn giữ quyền quyết định cuối cùng (nguyên tắc Human Final Say), theo đó, mọi đề xuất của AI phải được chuyên gia pháp lý phê duyệt, và có chữ ký số của người chịu trách nhiệm cuối cùng. “AI là người đồng hành, không phải là thuyền trưởng”, Katri Raik, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Quốc hội Estonia nhấn mạnh.
Cân bằng quyền lực: để tránh sự lạm quyền của AI, Quốc hội Estonia đã tạo ra một cơ chế giám sát với cơ quan chính là Ủy ban Đạo đức AI độc lập (gồm 11 thành viên từ các đảng phái, học giả và tổ chức xã hội). Với nguyên tắc, AI chỉ được sử dụng để hỗ trợ ra quyết định chứ không phải người ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, một quy định được luật hóa, cấm sử dụng AI cho các vấn đề: quốc phòng, nhân quyền, bầu cử.
Xóa tan mối lo ngại của công chúng: một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy 42% người Estonia lo ngại rằng AI có thể làm giảm tính minh bạch cũng như lo ngại vấn đề rò rỉ dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội đã công bố các báo cáo dự thảo do AI tạo ra cùng với các phiên bản được chỉnh sửa bởi nghị sĩ. Ngoài ra, Quốc hội đã sử dụng công nghệ Zero-Trust và mã hóa dữ liệu bằng blockchain, theo đó, tất cả dữ liệu công dân sử dụng để huấn luyện AI đều được ẩn danh và chỉ được lưu trữ tối đa trong 3 tháng. Kể từ khi áp dụng cơ chế này, không một vụ rò rỉ dữ liệu nào được báo cáo (2019 - 2025). 87% người dân Estonia tin tưởng vào tính công bằng của hệ thống AI trong lập pháp, theo khảo sát của Eurobarometer mới nhất, đồng thời, không có bất kỳ vụ kiện pháp lý nào liên quan đến AI trong 5 năm qua.
Loại bỏ nỗi lo thay thế con người: các nhà soạn thảo pháp luật ban đầu đã phản đối AI, lo sợ bị thay thế. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo đã định vị lại các chuyên gia pháp luật thành “người giám sát AI,” tập trung vào giám sát chiến lược.
Như ông Ott Velsberg - Giám đốc dữ liệu của Chính phủ Estonia - từng phát biểu: “Chúng tôi không xây dựng AI để thay thế nghị sĩ, chúng tôi xây dựng AI để giúp họ trở nên tốt hơn”.
Trong khi thế giới còn đang tranh cãi về quyền kiểm soát dữ liệu, các ranh giới đạo đức, và vai trò của AI trong quản trị, Estonia đã lặng lẽ bước về phía trước chứng minh bằng chính thành công của mình: mục đích cao nhất của công nghệ không phải là thay thế nhân loại mà là khuếch đại những bản chất tốt nhất của nhân loại: sự minh bạch, công bằng và tiến bộ xã hội. Và có lẽ, trong tương lai không xa, các nghị viện trên thế giới sẽ nhìn về quốc gia nhỏ bé bên bờ Baltic này để học hỏi cách sử dụng trí tuệ nhân tạo như một cánh tay nối dài của nền dân chủ.
“Chúng tôi không xây dựng robot để thay thế các nghị sĩ, chúng tôi đang xây dựng một trợ lý cho trí óc - một thứ giúp các nhà lập pháp làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn”.
Marten Kaevats, Cố vấn Kỹ thuật số của Estonia
“Rủi ro với con người không phải là AI trở nên quá giỏi, mà là con người trở nên quá phụ thuộc vào nó”.
Tiến sĩ Anna Põldroos, Nhà nghiên cứu AI tại Đại học Công nghệ Tallinn
“AI không thể thay thế những phán đoán đạo đức mà luật pháp yêu cầu; nhưng AI có thể bảo đảm rằng những phán đoán đó dựa trên dữ liệu tốt nhất có thể”.
Jevgeni Ossinovski, nghị sĩ Quốc hội