
Tại Liên minh châu Âu (EU), các văn bản pháp lý như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (có hiệu lực từ 17.2.2024) và Quy định An toàn sản phẩm tổng quát (có hiệu lực từ 13.12.2024) đặt nền móng cho khung quản lý toàn diện trong môi trường trực tuyến. Các nền tảng TMĐT không chỉ phải kiểm soát rủi ro mà còn có nghĩa vụ truy xuất nguồn gốc, báo cáo và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, Chỉ thị Bán hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) bảo đảm thống nhất quy định về bảo hành và chất lượng trên toàn khối EU. Những quy định này phản ánh nỗ lực của EU trong việc tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm rằng các sản phẩm được bán trên các nền tảng thương mại điện tử đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng nghiêm ngặt.
Ở châu Á, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng số. Trung Quốc đi tiên phong với Luật TMĐT năm 2019 và Luật Chất lượng sản phẩm sửa đổi năm 2018, yêu cầu nền tảng phải xác thực người bán, kiểm tra hàng hóa và chịu trách nhiệm nếu không có biện pháp kịp thời với sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, luật yêu cầu chặt chẽ về nhãn mác sản phẩm cũng như tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, Nhật Bản tập trung vào quy định minh bạch hóa thông tin liên quan đến sản phẩm, giá cả, chi phí vận chuyển, chính sách đổi trả và thông tin liên hệ qua Luật Giao dịch thương mại cụ thể (ban hành lần đầu vào năm 1976 và được sửa đổi nhiều lần vào các năm 2001, 2021, 2022). Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đều ban hành các đạo luật TMĐT riêng, nhấn mạnh nghĩa vụ công khai thông tin, giải quyết khiếu nại và bảo đảm hàng hóa đúng chất lượng mô tả. Malaysia, Singapore và một số nước ASEAN khác cũng đang áp dụng mô hình tương tự, trong đó yêu cầu người bán phải nêu rõ điều kiện đổi trả và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Ở Bắc Mỹ, đất nước cờ hoa có Đạo luật Minh bạch thông tin cho người tiêu dùng (2023), buộc các nền tảng phải xác thực danh tính người bán có lưu lượng giao dịch cao, bảo đảm họ chịu trách nhiệm với chất lượng hàng hóa được bán ra. Cùng với đó, các đạo luật như Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng và quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) yêu cầu sản phẩm phải đúng mô tả, không gây nguy hại và có nguồn gốc rõ ràng. Mỹ cũng đặc biệt chú trọng đến chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT xuyên biên giới. Đạo luật Lanham (Lanham Act) nghiêm cấm hàng hóa giả mạo về chất lượng, công dụng; vi phạm có thể bị cấm nhập khẩu. Ngoài ra, Đạo luật Tạo thuận lợi và thực thi thương mại (2015) tăng quyền hạn cho Hải quan Mỹ trong việc kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy hàng giả. Tại Canada, Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng và Luật Cạnh tranh cũng được áp dụng song song nhằm kiểm soát hàng hóa TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hướng dẫn từ Văn phòng Các vấn đề người tiêu dùng.
Khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, dù hệ thống pháp luật còn đang phát triển, nhưng cũng không đứng ngoài xu hướng. Brazil đã sửa đổi Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng để tích hợp TMĐT, ban hành Nghị định 7.962/2013 nhằm yêu cầu minh bạch hóa thông tin sản phẩm và chính sách đổi trả. Nam Phi áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử, quy định rõ ràng quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), cũng bắt kịp xu thế bằng việc thông qua các đạo luật hiện đại như Luật TMĐT 2019 (Ảrập Xêút) và Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2020 của UAE. Các quy định này không chỉ yêu cầu công khai danh tính người bán mà còn bắt buộc hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc, đúng chất lượng và có cơ chế xử lý tranh chấp rõ ràng.
Tại châu Đại Dương, Australia và New Zealand cũng có các quy định tiên tiến quản lý chất lượng hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Chẳng hạn, xứ sở chuột túi áp dụng Luật Người tiêu dùng Australia (ACL), yêu cầu hàng hóa phải đạt chuẩn chất lượng, có đầy đủ thông tin và chính sách hoàn trả rõ ràng. Còn New Zealand có Luật Bảo đảm chất lượng sản phẩm và Luật Giao dịch công bằng để tăng cường giám sát hoạt động TMĐT, nhất là chất lượng hàng hóa.
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, việc siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa đã trở thành trọng tâm trong chính sách pháp luật của nhiều quốc gia. Các chính phủ đang dần hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng minh bạch hóa thông tin sản phẩm, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy trách nhiệm rõ ràng cho cả người bán lẫn nền tảng trực tuyến. Khi giao dịch qua biên giới ngày càng phổ biến, việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng chung giữa các quốc gia không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử an toàn, công bằng và phát triển bền vững trong dài hạn.