
Dự thảo luật, đã được Ủy ban thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) xem xét, đưa ra một số biện pháp mới nhằm giải quyết những lo ngại lâu nay của giới doanh nghiệp tư nhân. Đây sẽ là luật cơ bản đầu tiên dành riêng cho khu vực tư nhân, chính thức công nhận vai trò trụ cột của khu vực này trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện tại, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chiếm hơn 60% GDP và 80% việc làm đô thị; đến cuối tháng 9.2024, có hơn 55 triệu doanh nghiệp tư nhân, tương đương 92% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: rào cản vô hình trong tiếp cận các ngành quan trọng, bảo vệ quyền sở hữu chưa đầy đủ, và khó khăn trong thực thi chính sách.
Dự luật đặt mục tiêu khắc phục những hạn chế này thông qua: tăng cường cạnh tranh công bằng, cải thiện tiếp cận tài chính, thúc đẩy đổi mới công nghệ, làm rõ quy định và củng cố bảo vệ pháp lý. Đặc biệt, nó quy định rằng doanh nghiệp tư nhân có quyền hoạt động trong tất cả các ngành nghề, trừ những ngành đã được liệt kê rõ ràng trong danh sách cấm, đồng thời yêu cầu rà soát thường xuyên các rào cản gia nhập thị trường, cấm đấu thầu phân biệt đối xử và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng
Một trong những nội dung quan trọng là ngăn chặn tình trạng phạt tiền và thu phí tùy tiện. Dự luật quy định rõ các cơ quan chức năng không được tự ý áp đặt phí, tiền phạt hay buộc doanh nghiệp tư nhân đóng góp tài sản nếu không có căn cứ pháp lý, nhằm hạn chế tình trạng chính quyền địa phương lợi dụng các khoản phạt để tăng nguồn thu ngân sách, còn được gọi là "làm luật" với các doanh nghiệp. Ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hội Cải cách Quảng Đông, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Quảng Châu cho biết, một số chính quyền đã lạm dụng các biện pháp này để giảm áp lực tài chính, gây bất ổn cho doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, dự luật cũng đề xuất cơ chế giải trình minh bạch, yêu cầu Hội đồng Nhà nước và chính quyền địa phương cấp quận trở lên phải báo cáo thường xuyên những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân lên Quốc hội. Yêu cầu này nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch, hạn chế lạm quyền và bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm thực hiện luật. Ông Peng Peng cho biết, yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc thực thi có thể giúp hạn chế tình trạng gây bất ổn các doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, dự luật nhấn mạnh việc bảo đảm môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp bằng cách quy định việc các quy định trong kinh doanh mới sẽ không có hiệu lực hồi tố, trừ khi có lợi cho doanh nghiệp, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro chính sách đột ngột. Dự thảo cũng đề xuất tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành và phòng thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty tư nhân tại Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn do sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý, các khoản tiền phạt đột ngột và những thay đổi về chính sách. Để giải quyết những vấn đề này, các điều khoản pháp lý mới được đưa ra nhằm bảo vệ doanh nghiệp khỏi việc thực thi tùy tiện. Theo các báo cáo, chỉ riêng tại Quảng Châu đã có hơn 10.000 công ty bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thực thi pháp luật xuyên khu vực, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Việc thiết lập ranh giới pháp lý rõ ràng hơn sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong quản lý.

Nguồn: INT
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nhằm trấn an các nhà đầu tư và doanh nhân, coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược khôi phục niềm tin doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn và căng thẳng địa chính trị.
Hơn nữa, các điều khoản mới còn hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Khi Trung Quốc đối mặt với những thách thức như nhu cầu trong nước suy giảm và bất ổn thương mại toàn cầu, khu vực tư nhân tiếp tục là động lực chính cho đổi mới, tạo việc làm và phục hồi kinh tế. Cam kết mới của Chính phủ trong việc bảo vệ doanh nghiệp tư nhân dự kiến sẽ khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác chiến lược
Bên cạnh các nỗ lực lập pháp, lãnh đạo Trung Quốc cũng đang tích cực hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác chiến lược. Tháng 2.2025, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị chuyên đề với các doanh nhân hàng đầu từ Alibaba, BYD, Huawei, Tencent và Xiaomi, nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tự chủ về công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Chính quyền trung ương đã chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đồng thời giảm chi phí tài chính thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Một số ngân hàng nhà nước đã triển khai các gói cho vay đặc biệt nhằm thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế cũng được mở rộng, bao gồm giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ đặc biệt cho các công ty công nghệ cao và nới lỏng quy định tiếp cận thị trường trong một số ngành công nghiệp. Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ cũng đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động kinh doanh không công bằng, bao gồm việc xử lý tình trạng chậm thanh toán của cơ quan nhà nước đối với các nhà cung cấp tư nhân và hạn chế các hành vi độc quyền gây bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ.
Những động thái trên nằm trong một loạt nỗ lực dài hạn nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành một văn bản hướng dẫn gồm 31 biện pháp hỗ trợ khu vực này. Đồng thời, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia thành lập một cơ quan chuyên trách phục vụ doanh nghiệp tư nhân, và nhiều tỉnh như Sơn Tây, Thanh Hải, Chiết Giang cũng làm theo.
Theo các chuyên gia, việc thành lập các cơ quan chuyên biệt này là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm nhất quán từ trung ương đến địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, góp phần củng cố niềm tin của giới doanh nhân và thúc đẩy tăng trưởng.
Ở các địa phương có khu vực tư nhân phát triển mạnh như Hàng Châu, chính quyền địa phương đã thiết kế chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương và từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Hàng Châu duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư công vào khoa học - công nghệ trên 15% mỗi năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ như Alibaba hay Unitree Robotics.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê duyệt, luật thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực tư nhân, giúp xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định hơn.