Biểu hiện giống với cảm cúm thông thường
Theo các chuyên gia y tế, sốt virus thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi do hệ miễn dịch yếu, tuy nhiên cũng khá phổ biến ở người trưởng thành khi gặp các yếu tố thuận lợi. Đặc biệt khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường khiến virus phát triển mạnh. Nhiễm virus có thể gặp ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể, song nhiễm virus đường hô hấp là phổ biến nhất. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian ủ bệnh sẽ nhân đến một mức độ đủ cao để gây biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hầu hết trong số đó không nguy hiểm và tự hồi phục, nhưng một số có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng thường là ho. Sau đó bệnh nhân có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, triệu chứng ngày càng nặng. Bệnh nhân sốt từ 38ºC - 39ºC, thậm chí 40ºC - 41ºC. Khi hết sốt chưa được vài giờ thì lại tiếp tục sốt. Trong nhiều trường hợp các thuốc hạ sốt thông thường cũng không có tác dụng. Đau đầu biểu hiện rõ nhất ở người lớn; trẻ em có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã, toàn thân đau nhức (trẻ nhỏ có thể sẽ quấy khóc). Trong và sau khi sốt, người bệnh sẽ ho, hắt hơi, chảy nước mũi, họng đỏ… Bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa, có thể có viêm kết mạc mắt (kèm theo sốt, nôn, bệnh nhân sốt virus cũng có thể có biểu hiện của viêm kết mạc mắt, làm mắt đỏ, chảy nước, người mệt mỏi, uể oả..), phát ban... Đau cơ thể và mệt mỏi có thể không tương xứng với mức độ sốt, kèm theo đó tuyến bạch huyết bị sưng phồng. Bệnh thường tự hết nhưng sự mệt mỏi và ho có thể kéo dài một vài tuần.
Nhìn chung sốt virus triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sốt ở sốt virus sẽ kéo dài ngày hơn; cơ thể mệt mỏi hơn nhiều lần. Nếu bệnh nhân có những triệu chứng cơ bản như trên, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám chữa kịp thời.
Không nên chủ quan nếu mắc bệnh
Phần lớn các ca sốt virus là lành tính, thường sẽ khỏi hẳn sau 7 - 10 ngày từ khi sốt. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, sốt virus có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó, viêm phổi là biến chứng nặng của bệnh sốt virus người lớn, khi bị viêm phổi thì con đường lây nhiễm của virus trở nên dễ dàng hơn; có thể tạo thành dịch lây lan rộng rãi và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, có thể gây ra viêm thanh quản, biểu hiện là thanh quản của người bệnh có thể sưng phù, chèn hẹp thanh quản, gây khó thở, thở rít, thậm chí gây thiếu oxy cho cơ thể. Trường hợp này cần được hỗ trợ thở bằng bình oxy.
Sau khi hết sốt có trường hợp bị biến chứng, cơ thể vẫn mệt mỏi; xuất hiện những cơn đau ở tim do viêm cơ tim. Nhịp tim ở người bệnh đập loạn, thậm chí là ngừng tim gây ngất. Nguy hiểm hơn, sốt virus còn gât ra biến chứng ở não. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của sốt virus ở người lớn. Thường thì biến chứng này dễ xảy ra ở trẻ nhỏ hơn. Biểu hiện của biến chứng ở não là gây co giật, hôn mê sâu; nếu không kịp thời điều trị có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề sau này.
Hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị sốt virus ở người lớn mà chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Do vậy, khi bị sốt virus, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để bệnh nhanh khỏi và tránh biến chứng, như cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng và bổ sung thêm các loại quả chứa nhiều vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Tình trạng sốt cao liên tục khiến cơ thể mất nước, do vậy, việc đầu tiên và dễ làm nhất khi bị sốt virus đó là uống nhiều nước. Sốt cao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy khi sốt quá cao cần uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ kết hợp chườm nước ấm. Ở trong phòng nhiệt độ vừa phải, không để nhiệt độ quá thấp so với thân nhiệt, mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ và dễ thấm hút mồ hôi. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ chống bội nhiễm. Tuyệt đối không tự dùng kháng sinh hay tự đi truyền dịch, cũng như lạm dụng dụng cụ xông họng vì có thể dẫn đến hỏng niêm mạc mũi, họng.
Các chuyên gia y tế cho rằng, không nên uống liên tục thuốc hạ sốt và không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau người. Mặc quần áo thoáng mát. Nếu sốt nhiều ngày (trên 5 ngày), hoặc sốt cao trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không thấy hạ hoặc xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, buồn nôn thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các phòng khám, bệnh viện gần nhất để có biện pháp điều trị đúng đắn, giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.