Kỳ thi khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh
Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia có lịch sử từ năm 1962, bắt đầu từ kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán và Văn lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) toàn miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, kỳ thi này được triển khai trên phạm vi toàn quốc và liên tục mở rộng với việc tăng số môn thi tới 12 môn hiện nay.
Báo cáo công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế giai đoạn 2023-2023, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, hàng năm, Bộ GD-ĐT thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để chỉ đạo các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, phân công trách nhiệm cho các thành viên.
Quán triệt quy chế thi, ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi và các văn bản liên quan,… Cùng với đó, đổi mới công tác ra đề thi, chú trọng nâng cao chất lượng đề thi theo từng năm.
Công tác coi thi của kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc theo đúng kế hoạch; chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức thi để tổ chức kỳ thi khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh.
Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam luôn có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Các đoàn học sinh của Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
"Kết quả tổ chức Kỳ thi chọn học sinh quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế hàng năm đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhận định.
Đổi mới căn bản, đồng bộ trong công tác tổ chức thi
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng được Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ.
Theo đó, việc tổ chức thi thí nghiệm, thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, gặp nhiều khó khăn trong ra đề thi, vận chuyển đề thi.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm, các địa phương điều kiện dạy và học khó khăn thành tích học sinh giỏi thấp so với khi phân bảng A và B.
Kinh phí để chi cho các chuyên gia tham gia công tác chuyên môn còn hạn chế do đó, việc huy động các chuyên gia tham gia công tác ra đề, chấm thi còn gặp nhiều khó khăn.
Chưa có cơ chế tạo ra sự gắn kết trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học.
Từ thực tiễn, Bộ GD-ĐT rút ra bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia:
Thứ nhất, đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, tiếp tục tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi.
Thứ hai, là nỗ lực, cố gắng vượt khó vươn lên; đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các học sinh trong các đội tuyển quốc gia.
Thứ ba, là chiến lược phù hợp và công lao của các nhà trường trong dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trong thời gian tới, PGS Huỳnh Văn Chương nhắc đến việc chỉnh sửa để thống nhất cách hiểu và bảo đảm tính thực tế, khả thi của một số nội dung quy định của Quy chế thi. Đồng thời, tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Tiếp tục tổ chức thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; không tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Tăng cường huy động giáo viên trường THPT chuyên ra đề thi đề xuất và tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định đề thi tại Hội đồng ra đề thi hằng năm. Áp dụng thi trực tuyến môn Tin học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm.