Đây có lẽ là một chủ trương đúng, xét từ góc độ hiệu quả kinh tế, và sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có những ý kiến lập lờ “chơi chữ” của những người trong cuộc, như của ông Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thế Dũng, khi nói rằng: "Xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực (kể cả của Nhà nước) để đầu tư cho ngành y tế phát triển. Còn cổ phần hóa là phương thức huy động vốn từ mọi nguồn lực, là phương thức kinh doanh phát triển doanh nghiệp. Như vậy, cổ phần hóa bệnh viện công là phương thức mà xã hội hóa sử dụng để huy động vốn, chứ không phải nhằm "tư nhân hoá" bệnh viện công như một số người đã hiểu sai".
Có lẽ người (cố tình) hiểu sai về cổ phần hóa nói riêng, xã hội hóa nói chung trước tiên phải là ông Dũng chứ không phải ai khác! Ta hãy đọc lại thêm một lần nữa về cái khái niệm mà ông Dũng nêu ra về cổ phần hóa và xã hội hóa trên đây để thấy cái rối rắm trong câu chữ mà ông dùng, cũng như sự lập lờ có tính ru ngủ của thuốc mê đối với những ai lo sợ rằng cổ phần hóa sẽ biến bệnh viện công thành bệnh viện tư, dẫn đến việc bệnh nhân nghèo sẽ hết hy vọng được cứu chữa với giá rẻ!
Cái sai trước tiên của ông là coi xã hội hóa là một thực thể (chủ thể) khi cho rằng “cổ phần hóa bệnh viện công là phương thức mà xã hội hóa sử dụng để huy động vốn”. Thực ra “xã hội hóa” chỉ là một phương tiện chứ có phải là một thực thể, ví dụ như Chính phủ, đâu mà nó có thể “sử dụng” cổ phần hóa được? Ta chỉ có thể nói “Chính phủ sử dụng cổ phần hóa để huy động vốn”, chứ không thể nói “xã hội hóa sử dụng cổ phần hóa để huy động vốn”.
Cái sai tiếp theo là: "Xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực (kể cả của Nhà nước) để đầu tư cho ngành y tế phát triển.” Đã gọi là xã hội hóa thì chỉ có nghĩa là Nhà nước bớt can thiệp, bớt bao cấp, bớt bỏ vốn thêm (một cách tương đối, xét về tỷ lệ sở hữu, trong trường hợp đã cổ phần hóa) chứ không như ông nói rằng xã hội hóa lại còn huy động thêm nguồn lực của nhà nước nữa! Nói cách khác, xã hội hóa, cũng như cổ phần hóa, là một hình thức để giảm, chứ không phải tăng, gánh nặng tài chính của Nhà nước. Và tất nhiên bù vào phần thiếu hụt này phải là phần tài chính đóng góp từ các cổ đông phi Nhà nước, tức là cổ đông tư nhân! Kể cả những cổ đông phi Nhà nước này không phải là những cổ đông cá nhân, mà có thể là cổ đông tổ chức, hoặc có thể họ không phải là cổ đông trong nước mà là cổ đông nước ngoài, thì họ vẫn cần phải được gọi theo đúng tính chất là cổ đông tư nhân!
Với hai cái sai này, ông Dũng khơi khơi đi đến kết luận rằng cổ phần hóa chỉ là hình thức để huy động vốn chứ không phải một hình thức nhằm “tư nhân hóa” bệnh viện công. Sự lập lờ, nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, giữa các khái niệm cơ bản như vậy đã biến một sự việc hiển nhiên thành một sự việc “mơ mơ thực thực”.
Tất nhiên, để tránh bị tư nhân hóa hoàn toàn và tránh bị đánh mất quyền kiểm soát các bệnh viện công thì Nhà nước có thể nắm giữ tỷ lệ sở hữu đa số, từ đó có tiếng nói quyết định trong đại hội cổ đông, gồm các cổ đông tư nhân. Vì đây là một chủ trương lớn và mạnh dạn trong thời kỳ đổi mới, Quốc hội cần yêu cầu những quan chức hữu trách của Bộ Y tế làm rõ ngay từ những điều cơ bản tưởng như hiển nhiên như thế này, trước khi cho phép tiến hành cổ phần hóa bệnh viện công để rộng đường cho dư luận, cho phản biện xã hội.
Ts Phan Minh Ngọc