Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2022, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ở mức cao nhất trong 10 năm vừa qua. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2023 đã bộc lộ những khó khăn, thách thức. Đơn cử, tăng trưởng GDP trong quý I rất thấp. Đặc biệt, một số địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp... Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Tình hình người lao động bị giảm việc, mất việc có xu hướng tăng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế vẫn chưa giải quyết triệt để. Tình trạng tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp…
Trước những tín hiệu không mấy lạc quan từ tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra trong năm nay theo Nghị quyết của Quốc hội dự báo gặp rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh tình hình sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy dẫn dắt đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc định hướng phát triển các ngành trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm.
"Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân trong những tháng cuối năm là sức ép rất lớn. Chúng tôi cũng nhận được những văn bản, đặc biệt là công điện của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng nếu như không có chỉ đạo quyết liệt và không có những giải pháp liên quan đến cán bộ đối với những nơi chậm giải ngân, chậm tiến độ thì đầu tư công sẽ vẫn chậm chạp, rất ì ạch". Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần quan tâm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh; kịp thời nghiên cứu sửa đổi điều kiện cho vay hợp lý hơn để triển khai gói vay hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả hơn; đẩy mạnh khai thác và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, điều kiện về kinh doanh, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp.
Phải rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, nơi nào làm không tốt
Trong bối cảnh đầy thách thức, khó khăn như hiện nay, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vai trò của Nhà nước, cụ thể là vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực thi công vụ, quản lý nhà nước về kinh tế càng phải tăng lên. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…
Trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận việc Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Theo đó, trong tháng 5 này, các tập thể, cá nhân phải báo cáo rõ những chuyển biến, những tiến bộ, những nơi làm không tốt... Công điện 280 nêu rất rõ những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm thì phải được xử lý. Cùng với đó, Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 08 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
“Với Công điện 280 và Chỉ thị 08, chúng ta nêu rất mạnh nhưng việc chỉ ra những chỗ nào làm tốt, những chỗ làm không tốt vẫn còn viết chung chung. Ví dụ, bao nhiêu tỉnh trên bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu địa phương trên bao nhiêu địa phương mà không chỉ ra được cụ thể là địa phương nào”. Chỉ ra vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 trình Quốc hội nên có địa chỉ cụ thể nơi làm tốt và những nơi làm không tốt.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần lưu ý một số nội dung, bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.