Công tác nhân sự thận trọng, công khai, minh bạch
Đánh giá về Kỳ họp bất thường lần thứ Hai và thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, chương trình Kỳ họp đã được bố trí khoa học, đúng quy trình, thủ tục, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện kịp thời. Kỳ họp bất thường lần thứ Ba dù được triệu tập trong thời gian ngắn, nhưng đã được triển khai nhanh với quy trình chặt chẽ. Đáng lưu ý, tại 2 kỳ họp bất thường, công tác nhân sự được tiến hành rất thận trọng, đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, công tác quản lý, sự phát triển cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế. Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc rất thận trọng, toàn diện đối với dự luật này tại 3 Kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích thấu đáo các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội đầy đủ, thuyết phục.
Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã giúp Ủy ban rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đó là, trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm đúng thủ tục, quy trình, nhất là trong kỳ họp bất thường, dù thời gian để tiếp thu, giải trình các nội dung thảo luận rất ngắn. Cũng trong quá trình tiếp thu, giải trình, dù có rất nhiều khó khăn, nhưng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nhận được sự chia sẻ, chỉ đạo kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội. "Việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, không né tránh những vấn đề khó của Quốc hội, như vấn đề tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.
Từ quá trình sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu thực tế, khi cơ quan soạn thảo đề xuất xây dựng pháp luật có thể chỉ dự kiến 5 - 7 chính sách, nhưng trên thực tế, chính sách mới phát sinh rất nhiều, thậm chí là 10 – 20 chính sách. Mỗi chính sách phát sinh đều phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Có trường hợp, chính sách được đề xuất nhưng khi đưa ra thảo luận lại nhận thấy không còn phù hợp, hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
"Do vậy, cơ quan soạn thảo nên lường trước được những chính sách phát sinh khi trình dự án luật. Nếu phát sinh chính sách mới phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là bổ sung Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Cơ quan chủ trì thẩm tra phải quy tụ được các cơ quan, đơn vị có liên quan để làm rõ nội dung các đại biểu Quốc hội cho ý kiến cũng như những chính sách mới được đại biểu đề xuất", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.
Chậm gửi tài liệu, gây áp lực rất lớn cho cơ quan thẩm tra
Từ thực tế chậm gửi tài liệu Kỳ họp chưa được khắc phục triệt để, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu 5 lý do khách quan mà Báo cáo của Chính phủ thường xuyên trích dẫn như: do mới, do khó, do các địa phương báo cáo chậm, do công việc nhiều, do nguồn lực không đủ để làm.
Dẫn chứng, ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, việc chậm gửi hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gây áp lực rất lớn cho Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thẳng thắn, khối lượng hồ sơ, công việc nhiều, nhưng Chính phủ trình rất gấp; gấp gáp sang tới cả lãnh đạo Quốc hội, sát nút, chiều trình Quốc hội thông qua, thì 11 giờ trưa, Ủy ban Kinh tế vẫn phải trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến về việc Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội như thế nào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, phải khắc phục ngay vấn đề này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cần có quy chế mời cơ quan thẩm tra, đại diện Văn phòng Quốc hội tham gia các phiên họp xây dựng pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cần kiên quyết hơn nữa trong việc tiếp cận tài liệu.
Đối với cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt câu hỏi: Phải chăng đang có tâm lý đang làm, không dám gửi sang, sợ cơ quan thẩm tra soi kỹ quá, lại phải vất vả thêm? "Việc cơ quan soạn thảo thường xuyên làm và gửi cho cơ quan thẩm tra mới thể hiện đúng tinh thần cùng đồng hành, chia sẻ. Và phải khắc phục tình trạng, có lúc đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 - 4 bản tài liệu, nhưng không rõ đâu mới là bản cuối cùng", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, các phiên họp của Chính phủ về xây dựng luật và những vấn đề quan trọng của đất nước cần bố trí nhiều thời gian hơn để Chính phủ thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng hơn. Các bộ, ngành cần có phản ứng chính xác, linh hoạt hơn, đánh giá đầy đủ tác động, nghiên cứu thấu đáo để dự báo trước các tình huống, từ đó mới có đủ căn cứ để trình cơ quan thẩm tra. Đơn cử, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ có trường hợp nghiêng về phương án nào thì ca ngợi phương án đó nhiều hơn mà chưa phân tích đầy đủ, thấu đáo tồn tại, hạn chế. Đây cũng nên coi là một tiêu chí trong thi đua để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các bộ, ngành.
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuẩn bị từ sớm, từ xa, không phải chỉ từ phía các cơ quan Quốc hội, mà còn phải bắt nguồn từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, và từ sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ. Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần dù khó cũng không né tránh, mà rất quyết liệt, dành thời gian thảo luận kỹ lưỡng. Minh chứng rõ nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới, nhất là trong việc sửa đổi Luật Đất đai.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tới đây, sau mỗi Kỳ họp, sẽ có Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để triển khai tổ chức thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, qua đó khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn.