Luật Quy hoạch 1998 của Singapore là đạo luật chính cung cấp cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch và kiểm soát sử dụng đất ở Singapore. Theo luật này, không ai có thể phát triển đất bên ngoài khu vực bảo tồn mà không có giấy phép quy hoạch. Tương tự như vậy, không ai có thể chia nhỏ đất mà không nhận được phê duyệt chia nhỏ theo Luật Quy hoạch 1998 của Singapore.
Cơ quan luật định chịu trách nhiệm thực hiện việc lập kế hoạch như vậy là Cơ quan Tái thiết đô thị (URA). URA công bố Kế hoạch tổng thể 5 năm một lần, vốn là kế hoạch sử dụng đất theo luật định sẽ định hướng cho sự phát triển của Singapore trong trung hạn (10 - 15 năm tiếp theo). Quy hoạch tổng thể chỉ định việc phân vùng và cho phép sử dụng đất ở Singapore. Điều quan trọng là phải kiểm tra việc sử dụng giấy phép của một tài sản trước khi mua để bảo đảm rằng nó phù hợp với mục đích sử dụng của người mua. Về vấn đề này, người mua thường sẽ tiến hành các yêu cầu hợp pháp với cơ quan quy hoạch về quy hoạch sử dụng đất của bất động sản.
Khi muốn thay đổi việc sử dụng một bất động sản cụ thể, người có nhu cầu phải nộp đơn lên URA để xin phép. Nếu đơn đăng ký thành công, một khoản thuế, được gọi là phí phát triển, sẽ được đánh vào người nộp đơn nếu dự án phát triển được đề xuất làm tăng giá trị của khu đất.
Việc quy hoạch gắn với các vấn đề liên quan đến môi trường. JTC Corpration - Tập đoàn hàng đầu thuộc Chính phủ Singapore trong việc phát triển hạ tầng công nghiệp, nơi cho thuê phần lớn đất công nghiệp, thường áp đặt các nghĩa vụ làm sạch môi trường đối với bên thuê mà việc sử dụng đất có khả năng gây ô nhiễm. Nếu bất kỳ bên thuê nào như vậy muốn chuyển nhượng hợp đồng thuê cho một bên thứ ba thường phải có sự đồng ý của JTC. Như một phần trong sự đồng ý của mình, JTC có thể yêu cầu bên thuê thực hiện một nghiên cứu cơ bản về môi trường (để xác định mức độ ô nhiễm của một địa điểm cụ thể) và nếu thấy cần thiết, yêu cầu bên thuê tiến hành làm sạch môi trường trước khi chuyển nhượng hợp đồng thuê.
Xét riêng biệt, theo Luật Quản lý và Bảo vệ Môi trường 1999 của Singapore (EPMA), người sử dụng cơ sở công nghiệp hoặc thương mại được yêu cầu duy trì bất kỳ thiết bị đốt nhiên liệu và thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí được lắp đặt trong cơ sở đó ở điều kiện tốt, đồng thời bảo đảm chúng hoạt động hiệu quả. Việc không tuân thủ những nghĩa vụ trên sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, lĩnh vực bất động sản là một trong những “dấu chân carbon” cao nhất so với bất kỳ ngành nào. Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 40% năng lượng của thế giới. Hoạt động xây dựng và vận hành các tòa nhà cũng chiếm 38% lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến năng lượng toàn cầu. Trên khắp thế giới, lĩnh vực xây dựng tuyển dụng 300 triệu người. Riêng ở Singapore, khoảng 11% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này. Quy mô tuyệt đối của ngành xây dựng có nghĩa là các hành động bền vững của nó sẽ có tác động đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Phát triển quốc gia của Singpapore, tính đến tháng 1.2018, khoảng 3.200 tòa nhà trong nước đã đáp ứng các tiêu chuẩn Green Mark của Cơ quan Quản lý công trình và xây dựng (BCA). Khu này có diện tích hơn 94 triệu mét vuông, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích sàn xây dựng của Singapore.
Green Mark là hệ thống đánh giá công trình xanh được quốc tế công nhận. Nó thiết lập các thông số nâng cao và các chỉ số được thiết lập để hướng dẫn thiết kế và vận hành các tòa nhà mới và hiện đại theo hướng hiệu quả năng lượng và hiệu suất môi trường. Được thiết kế riêng cho các tòa nhà ở vùng nhiệt đới, nó được BCA đưa ra vào năm 2005 để bắt đầu nỗ lực phủ xanh các tòa nhà của Singapore.
Đi trước với định hướng phát triển bền vững, Kế hoạch tổng thể về công trình xanh thứ nhất và thứ hai đã được giới thiệu lần lượt vào năm 2016 và 2019, nhằm khuyến khích các nhà phát triển nhà ở áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh trong các dự án phát triển mới và các tòa nhà hiện có thông qua luật pháp
Đặc biệt, để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ Singapore giới thiệu kế hoạch Xanh Singapore 2030, trong đó thiết lập các mục tiêu “xanh hóa” 80% tất cả các tòa nhà vào năm 2030 như một phần cam kết trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Khí hậu Paris.