Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, trong 20 năm qua, Mỹ và khu vực Đông Nam Á đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác nổi bật trong mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Kể từ đầu đại dịch, Mỹ và Đông Nam Á đã hợp tác chặt chẽ để phòng chống Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng và hỗ trợ lẫn nhau về thiết bị vật tư y tế. Mỹ đã cung cấp cho khu vực gần 24 triệu liều vaccine, trong đó riêng Việt Nam đã nhận hơn 5 triệu liều vaccine Moderna và chuẩn bị nhận thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ trong tháng này.
“Chúng tôi hoan nghênh Mỹ mở Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn trong việc củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Văn phòng CDC Đông Nam Á và tin rằng Văn phòng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở trong và ngoài khu vực để đạt được mục tiêu đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người dân. Tôi mong bà Phó Tổng thống tiếp tục cung cấp vaccine và trang thiết bị y tế cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để vượt qua đại dịch và phục hồi phát triển.”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ.
Văn phòng khu vực mới sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế một cách nhanh chóng hơn, dù các mối đe dọa này xảy ra ở bất cứ nơi nào, đồng thời xây dựng các mối quan hệ chủ chốt nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế. “Thông qua văn phòng này, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác khu vực nhằm chia sẻ các chiến lược và tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện nay và trong tương lai. Thành tựu này là kết quả của nhiều năm hợp tác cấp cao giữa các chính phủ của chúng ta. Đây cũng là một cơ hội quan trọng cho các quốc gia chúng ta cùng nhau thảo luận các ưu tiên an ninh y tế chung.”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra phát biểu.
Giám đốc CDC, Tiến sỹ Y khoa Rochelle Walensky nhận định, CDC có sự hiện diện lâu dài ở khu vực Đông Nam Á. Quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi với các quốc gia trong khu vực ASEAN đã giúp tăng cường năng lực của các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng, các trung tâm ứng phó khẩn cấp, các hệ thống giám sát và tất cả các công cụ này đều đang được phát huy tối đa trong đại dịch hiện nay. Văn phòng khu vực mới sẽ xây dựng dựa trên các quan hệ đối tác hiện có và giúp chúng ta cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.
CDC đặc biệt phù hợp để tăng cường gắn kết và hợp tác của Mỹ với các lãnh đạo Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa y tế mới nổi khác. Những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo-tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình sáng tạo nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư, bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.
Tiến sỹ Y khoa John MacArthur sẽ giữ cương vị Giám đốc CDC khu vực Đông Nam Á. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này, Tiến sỹ MacArthur là Giám đốc quốc gia CDC Thái Lan trong hơn 6 năm. Ông đã dành tới một nửa thời gian trong sự nghiệp 23 năm tại CDC để tập trung cải cải thiện an ninh y tế tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc quản lý ngân sách hơn 100 triệu USD trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm tập trung vào kiểm soát các bệnh sốt rét, lao, sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, bệnh cúm và Covid-19.