Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các chuyên gia.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, thời gian qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức khảo sát tại các địa bàn Quân khu 9 và 1 số địa bàn để có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân (PKND) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8.
Công tác PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.
Ngày nay, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường, trong đó có vai trò quan trọng của hoạt động PKND, thế trận PKND.
Trung tướng Lê Tấn Tới mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn về lĩnh vực này để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại tọa đàm, đa số đại biểu, chuyên gia thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật PKND, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về PKND; khắc phục những vướng mắc, bất cập trên cơ sở tổng kết thi hành các quy định hiện hành về PKND.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận về nội dung hoạt động PKND; xây dựng thế trận PKND, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập về PKND; về xây dựng công trình PKND phù hợp với thực tế; các nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với PKND.
Liên quan đến nội dung đăng ký, cấp phép cho các phương tiện bay không người lái, tàu bay siêu nhẹ, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, cần có sự thống nhất một cơ quan về đăng ký, cấp phép phương tiện bay không người lái để giảm bớt phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với quy định về trưng dụng công trình nhân dân vào công tác phòng không cần bổ sung thêm trách nhiệm bồi thường cho người dân khi cơ quan trưng dụng công trình của người dân khi xảy ra hư hao, thất lạc.
Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, Thiếu tướng Vũ Cao Quân cho rằng, dự thảo Luật PKND đã sát với thực tiễn, tuy nhiên, cần xem xét lại quy định về độ tuổi tham gia lực lượng PKND theo hướng mở để tạo điều kiện cho công dân tuổi cao nhưng đảm bảo sức khỏe, trí tuệ tham gia công tác này. Dự thảo Luật cũng cần có những điều khoản huy động được nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp tham gia PKND.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng, thời gian qua với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lực lượng PKND các cấp đã từng bước được củng cố về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật; lực lượng nòng cốt PKND duy trì nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, có chiều sâu, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc. Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm đối với phương tiện bay siêu nhẹ (Flycam) ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và hàng không dân dụng. Do đó, thời gian tới, các địa phương, trong đó có TP. Cần Thơ cần tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng PKND, cơ quan đơn vị quân sự địa phương và lực lượng Phòng không - Không quân trên địa bàn để phối hợp quản lý vùng trời và thông tin, thông báo, báo động phòng không để công tác PKND đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, dự án Luật PKND đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị được các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm và mong muốn cùng với cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo dự án Luật PKND hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, tính khả thi cao, khắc phục được những tồn tại, hạn chế vướng mắc trong thực tiễn về thực hiện chính sách, pháp luật PKND, đáp ứng nhu cầu phòng thủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, với các ý kiến chưa tiếp thu được thì cũng cần giải trình thuyết phục. Đây là dự luật có phạm vi rộng, nội dung đặc thù, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định khi luật được ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong 2 năm qua đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội ban hành nhiều dự án Luật, trong đó, có những luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 100% tổng số đại biểu có mặt. Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PKND bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua.