Thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu sửa đổi bổ sung thêm Khoản 1, Điều 2 Luật Đấu thầu về đối tượng áp dụng.
Theo đại biểu, hiện nay dự thảo Luật đang quy định các đơn vị giáo dục tại các địa phương tổ chức ăn bán trú phải thực hiện đấu thầu. Quy định như vậy khiến các trường học tại nhiều địa phương gặp khó khăn.
"Như tại Bắc Kạn là tỉnh miền núi, vùng sâu xa, để chọn đơn vị thầu đã khó nên nếu các trường học phải thực hiện theo quy định này sẽ rất vướng mắc khi tổ chức bữa ăn cho học sinh". Nêu thực tế này, đại biểu đề nghị sửa đổi nội dung này để tạo thuận lợi cho việc thực hiện.
Tại Khoản h, điểm 1 Điều 23 về chỉ định thầu, theo đại biểu Hà Sỹ Huân, quy định này chưa đầy đủ vì ở đây chưa bao gồm các công trình đường điện, trạm biến áp và thủy lợi.
Trong khi đó, quá trình thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ, ngoài các công trình hạ tầng kỹ thuật không tránh khỏi việc phải di dời các công trình đường điện, thủy lợi để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân, đại biểu đề nghị bổ sung quy định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình thủy lợi, công trình đường điện và trạm biến áp để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. "Hiện nay nhiều dự án đã xong hết các hạng mục nhưng vẫn còn công trình điện, thủy lợi chưa giải quyết được gây ra chậm tiến độ, lãng phí rất lớn", đại biểu cho biết.
ĐBQH Vũ Đại Thắng (Quảng Bình) cho biết, vấn đề phức tạp nhất là đấu giá tài sản công. Nhiều công trình trụ sở xã xây cách đây mấy chục năm hết khấu hao, dân không thể mua làm nhà ở được. Nhiều địa phương khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã xong thì công trình trụ sở cũ để hoang rất lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, xem xét lại quy định này.
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị trong nội dung sửa đổi, bổ sung về Luật Đấu thầu, Chính phủ cần giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định về đấu thầu trước, trong đó cần xem xét quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu để có quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh để xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trường hợp ký kết hợp đồng dựa trên kết quả của quá trình đấu thầu trước có thể không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt thì có cần thiết phải tổ chức đấu thầu lại hay không; phân định rõ nội dung đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu khác.