Giáo dục đại học thể hiện tầm cao và chiều sâu của nền giáo dục
Phát biểu tại chương trình "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục phổ thông và giáo dục con người tạo ra các công dân có phẩm chất và năng lực tốt, làm nền tảng cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao, giúp cho con người biết sống, biết mưu cầu hạnh phúc, quan tâm và phát triển đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng, giúp họ là những con người tốt và công dân tốt.
Giáo dục phổ thông có cái khó riêng, nhưng nếu được quan tâm đầy đủ và có phương pháp, giáo dục phổ thông sẽ tốt. Giáo dục phổ thông cho ta thấy cái nền của giáo dục.
Còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao và chiều sâu của nền giáo dục, thể hiện tầm vóc, trí tuệ con người của một đất nước, thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và biểu hiện của sự sở hữu nhân tài đất nước đó.
“Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển. Phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, so với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học có cái khó riêng, phải dùng từ “đặc biệt khó”. Có nhiều nước mong muốn nền giáo dục đại học phát triển nhưng không phải câu chuyện dễ, bởi cần rất nhiều yếu tố.
Là một phần của nền giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi. Chuyển đổi từ mô hình, cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý Nhà nước, chuyển đổi của hoạt động, phương pháp dạy và học, về cơ cấu ngành nghề để sử dụng nguồn lực,...
Bên cạnh đó, những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học, đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới, sáng tạo, vấn đề khởi nghiệp. Càng đi vào thời hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn. Giáo dục là quốc sách, là đột phá chiến lược thì mũi nhọn của đột phá chiến lược đó là giáo dục đại học.
Các nhà khoa học là nguồn lực của quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc nhiều trường đại học của chúng ta có tên trên bản đồ các trường đại học hàng đầu thế giới có công lao trước hết của các nhà giáo, nhà khoa học.
Bộ GD-ĐT có quan điểm rằng, nguồn lực, chỗ dựa quan trọng nhất của ngành chính là các nhà giáo. Đối với giáo dục đại học, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành giáo dục mà còn là nguồn lực của quốc gia, niềm tự hào của quốc gia và chỗ dựa của quốc gia. Do đó, nhiệm vụ chăm sóc, phát triển đội ngũ các nhà khoa học là việc đặc biệt quan trọng của Bộ GD-ĐT.
“Chúng tôi ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng này và đang từng bước cố gắng làm mọi việc để có thể phát triển được đội ngũ nhà giáo, đội ngũ các cán bộ khoa học”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, Bộ trưởng cho hay, đầu tiên phải nói tới vai trò của các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học cơ bản, khối các Đại học Quốc gia, các đại học có chương trình thực hiện việc bồi dưỡng nhân tài ở tất cả lĩnh vực.
Tới nay, giáo dục đại học đã và đang nhận được những kết quả rất quan trọng bởi một số thông số. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên của chúng ta tăng xấp xỉ 40%. Hiện nay, Việt Nam có gần 2,1 triệu sinh viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng khá trong vài năm gần đây sau giai đoạn đi xuống, đang cho thấy sự gia tăng trở lại của niềm tin người học và xã hội về chất lượng đào tạo.
Các số liệu thống kê, khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy sự cải thiện chất lượng trên diện rộng. So với 10 năm trước, số lượng giảng viên tăng khoảng 30%, cũng là con số gia tăng đáng kể.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, hiện đã đạt gần 32%. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chỉ số này còn thấp (một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt đến từ 50% trở lên). “Con số 32% của chúng ta là một con số còn rất khiêm tốn và đặt ra cho chúng ta nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng nói.
Số các công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng gần gấp 5 lần so với 10 năm về trước, tuy nhiên so với bình quân trên đầu người vẫn còn khá thấp trên bản đồ công bố thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đưa ra những con số nói trên để thấy rằng sau 10 năm, ngành giáo dục của chúng ta đã có một bước phát triển rất dài. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu của phát triển khoa học và công nghệ kỹ thuật, tốc độ phát triển này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi những điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa thì một là sẽ chậm lại trong tốc độ phát triển, hai là sẽ rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao của các trường, một số ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. Do đó, câu chuyện chúng ta cùng nhau tháo gỡ những điểm thắt nút được xem là công việc rất quan trọng”, Bộ trưởng cho hay.
Muốn có các sinh viên xuất sắc, không thể không có các thầy xuất sắc
Nhắn nhủ thêm tới các nhà khoa học, các giảng viên, Bộ trưởng cho biết khoa học kỹ thuật và công nghệ thế giới đang phát triển, đổi mới rất nhanh, như vũ bão.
“Tôi có mong muốn có thể diễn đạt một cách hồn nhiên rằng, mong các nhà khoa học của chúng ta giỏi hơn nữa, đã giỏi rồi thì giỏi nữa, bởi vì sự giỏi không có giới hạn, mà so với thế giới thì chắc rằng chúng ta còn cần phấn đấu nhiều hơn nữa. Cũng mong rằng dần dần chúng ta sẽ có thêm những nhà khoa học giỏi hơn, những chuyên gia đầu ngành để có thể làm chỗ dựa, trụ cột phát triển khoa học công nghệ.
Chỉ có phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, chúng ta mới có thể có sự cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng mong rằng, đây là sự phấn đấu của cá nhân, ý chí của cá nhân nhưng cũng cần chính sách của các cơ sở giáo dục. Một trong những quyền tự chủ các cơ sở giáo dục là cần dành quyền đó để phát triển đội ngũ, dành những gì tốt nhất để phát triển những chuyên gia - niềm tự hào của các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Theo Bộ trưởng, trên thế giới, khi người ta kể niềm tự hào của trường mình, họ không kể có bao nhiêu phòng học, bao nhiêu mét vuông đất, bao nhiêu gốc cây,… Người ta sẽ kể rằng trường mình có những chuyên gia hàng đầu nào thế giới biết tiếng, có những giải thưởng nào, sinh viên có ai thành đạt.
“Muốn có các sinh viên xuất sắc, không thể không có các thầy xuất sắc. Cho nên câu chuyện đặt ra là cần có thêm nữa những thầy giỏi, đầu ngành để dẫn dắt, đất nước cần thêm những người như vậy”, Bộ trưởng nói.
Trong nghiên cứu và giảng dạy, Bộ trưởng mong muốn các nhà giáo nâng cao tinh thần gắn bó mật thiết với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh, công bố quốc tế rất quan trọng, nhưng chúng ta cần có những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố để cho người Việt đọc và những ứng dụng để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, các tư vấn chính sách.
“Đây là đòi hỏi về trách nhiệm xã hội của chúng ta, là bản chất của trí thức. Trí thức thì chỉ có một, không có trí thức công, trí thức tư. Trách nhiệm xã hội của người trí thức thì không có công, có tư”, Bộ trưởng cho hay.
Các nhà giáo, các nhà khoa học tại trường đại học cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm đối với ngành giáo dục. Giáo dục phổ thông đang đổi mới, đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đó, các giảng viên cần tham gia trong việc xây dựng chính sách, trong đào tạo giáo viên, tư vấn các giải pháp. Các nhà giáo cũng phải làm tốt công tác truyền thông, tự truyền thông và có ứng xử phù hợp trên mạng xã hội để phù hợp với nghề nghiệp.
4 chữ “kiên” để phát triển bền vững giáo dục
Trả lời câu hỏi Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng khẳng định có rất nhiều việc phải làm, mong muốn phải làm. Có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian. Trong đó, cần sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, tháo gỡ những điểm nghẽn, trước mắt là sửa Nghị định 99 và sớm cũng sẽ điều chỉnh Luật 34.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu gia tăng các cơ chế chính sách để có thể giải phóng được các nguồn lực, đặc biệt là giải phóng sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học bằng các cơ chế chính sách. Bộ cũng sẽ duy trì và tăng cường chính sách để phát triển lực lượng giảng viên cả về số lượng và chất lượng thông qua nhiều đề án, chương trình hợp tác; chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ, các nhà khoa học tiềm năng bằng nhiều nguồn khác nhau, nhiều đề án và nhiều kênh khác nhau.
Bộ trưởng mong trước mắt, các nhà giáo, đặc biệt là các chuyên gia khối ngành Luật cùng tham gia triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để tạo cơ sở pháp lý nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của nhà giáo, thiết lập cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách đặc biệt đối với nhà giáo.
Kỳ vọng đối với Bộ luật sắp tới này rất nhiều, mặc dù đây là việc khó. Sẽ cần triển khai nhiều chính sách đặc thù để phát triển khối khoa học cơ bản, khối sư phạm và khối các lĩnh vực mũi nhọn mà quốc gia có nhu cầu cho cả hiện tại, tương lai.
Cần đề ra thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu; phát triển nhân lực khoa học trong các lĩnh vực cơ bản mũi nhọn; thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo sự công bằng trong thực tế giữa hai khối trường công và tư.
Bộ trưởng gửi thông điệp, chúng ta phải kiên định vào con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành của xã hội và sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cần kiên quyết trong việc chống tiêu cực, chống bệnh thành tích, chống những tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong việc phát triển các cơ sở giáo dục đại học.
Chúng ta phải kiên quyết với mục tiêu chất lượng và mục tiêu phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học. Vinh quang của nghề nghiệp không thể bị tổn hại, cần vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có mấy chữ cần nhớ: kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên trinh. Chữ kiên có nghĩa là sự bền vững. Muốn có sự phát triển bền vững, chúng ta cần bền trí và kiên định. Mong các tri thức, các nhà khoa học cùng đồng lòng chia sẻ với lãnh đạo Bộ trong việc phát triển giáo dục và đào tạo để chúng ta thực hiện được sứ mệnh của mình trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó”, Bộ trưởng nhắn nhủ.