ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang):
Thực chất hơn và thực quyền hơn
Tôi tán thành và đánh giá cao trách nhiệm của Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Tôi thống nhất việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách từ 35% lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH được quy định tại Khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật. Việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các Ủy ban và các Đoàn ĐBQH khẳng định vị thế, vai trò, trọng trách của ĐBQH, cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đồng thời tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn.
Về tiêu chuẩn của ĐBQH, tôi thống nhất giữ nguyên như quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Quy định như vậy đã thể hiện đầy đủ năng lực, phẩm chất mà ĐBQH phải có. Luật hiện hành cũng đã cụ thể hóa quyền ứng cử ĐBQH được Hiến pháp quy định để áp dụng chung cho cả ĐBQH là người do các cơ quan, tổ chức, người do Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu, người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam và người tự ứng cử... tất cả đều được Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật định và được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH.
Thực tế qua hai nhiệm kỳ tham gia Quốc hội Khóa XIII, XIV, tôi nhận thấy, từng ĐBQH, nhất là đại biểu nữ, đại biểu chuyên trách rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện rõ bản lĩnh, kỹ năng cần có của người ĐBQH, được cử tri và nhân dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Quốc hội, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên, do ĐBQH chủ yếu vẫn hoạt động kiêm nhiệm, chọn theo cơ cấu đại diện nên vai trò của Quốc hội, chất lượng của từng ĐBQH chưa thực sự bảo đảm, chưa phát huy đúng tầm, đúng trọng trách của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. Không ít ĐBQH trong suốt nhiệm kỳ vẫn còn “ngán, ngại” phát biểu cả tại tổ và nghị trường, hoặc phát biểu nhưng nội dung chuẩn bị chưa đúng tầm của một ĐBQH, chưa thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân... Đây cũng là trăn trở của một Quốc hội cần phải đổi mới, thực chất hơn và thực quyền hơn. Vì vậy, kỳ vọng của cử tri và nhân dân mong muốn sửa Luật Tổ chức Quốc hội lần này sẽ quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bộ máy tham mưu giúp việc của các đoàn đại biểu Quốc hội. Cử tri và chúng tôi cũng mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội sẽ tạo điều kiện để nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tiếp tục chọn được những đại biểu thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, có tâm, có đủ tầm, có trách nhiệm cao với quốc gia, dân tộc.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau):
Tăng cường năng lực, tính chuyên nghiệp
Tôi xin tranh luận với một số ý kiến cho rằng cần tăng cường ĐBQH là chuyên gia. Theo tôi, ĐBQH là chính trị gia. Tức là, phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội, để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia am hiểu sâu từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất là Quốc hội.
Hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH. Chúng ta đang chuyển sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề năng lực lập pháp của ĐBQH. Quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật của ĐBQH nếu không được bảo đảm thì quyền khởi xướng chính sách chắc chắn chỉ có thiên về duy nhất Chính phủ như vừa qua mà thôi. Và lúc đó, Quốc hội sẽ không còn nắm giữ vai trò chủ đạo, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp.
Về tính chuyên nghiệp của ĐBQH, tôi cho rằng, chúng ta đừng nhấn mạnh đến số lượng. Cho dù 100% ĐBQH chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng):
Quy định rõ địa vị pháp lý
Chế định ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội và ở địa phương đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định được gần 20 năm qua, từ Quốc hội Khóa XI đến nay. Phải nói rằng, ĐBQH chuyên trách qua các khóa đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp rất hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương.
Tôi tán thành quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Điều này sẽ tạo cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự, từ đó góp phần tăng số lượng và chất lượng hoạt động của ĐBQH chuyên trách. Vấn đề đặt ra ở đây là phải tăng cả về chất lượng của ĐBQH nói chung nhằm bảo đảm được vị trí, vai trò của ĐBQH, xác định tầm quan trọng mà Tổ quốc và nhân dân đã giao phó và được khẳng định ở Hiến pháp, đó là quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và thực hiện quyền giám sát tối cao. Tuy nhiên, bảo đảm quy định này là một thách thức lớn trong việc bố trí nhân sự nếu như dự thảo Luật không quy định thật rõ ràng về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của ĐBQH chuyên trách, có chính sách, chế độ đãi ngộ đủ sức thu hút người làm ĐBQH chuyên trách mà không giữ chức danh lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.
ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam):
Hướng dẫn chặt chẽ để đạt tỷ lệ tối thiểu
Tôi hoàn toàn đồng thuận với dự thảo Luật về tổng số lượng ĐBQH không quá 500 và nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên tối thiểu 40%. Tuy nhiên, đề nghị trong Đề án bầu cử ĐBQH sắp tới và trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần quy định rõ và chặt chẽ để bảo đảm tối thiểu phải được 40%, còn nếu cao hơn đến 45%, 50%, thậm chí trên 50% thì càng tốt, nhưng chúng ta rút kinh nghiệm qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt Khóa XIV, quy định tối thiểu 35% nhưng không đạt được.
Về quy định các báo cáo thẩm tra, kiến nghị và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành. Thực hiện như vậy là đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, thực tiễn rất khó bảo đảm số lượng thành viên như vậy. Tôi đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài. Nếu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban triệu tập cuộc họp mà không đủ quá nửa thành viên và biểu quyết không đủ quá bán thì có phải tổ chức họp lại hay không và xử lý đối với những thành viên không tham gia các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thế nào? Có nên xem xét tư cách thành viên không? Tôi đề nghị, thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban không cần quá đông mà phải tinh, gọn. Tôi cũng đề nghị, chúng ta tăng ĐBQH chuyên trách thì nghiên cứu có thể đưa vào luật hoặc hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng một đại biểu có thể tham gia tối đa làm thành viên của 2 Ủy ban, đặc biệt ưu tiên cho ĐBQH chuyên trách.