PV:Trong bối cảnh hội nhập, càng thấy nổi rõ hơn sự bất cập, lệch pha của cỗ máy quản lý nhà nước so với cỗ máy kinh tế. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông thấy sự bất cập, lệch pha đó biểu hiện như thế nào?
TS Võ Trí Thành: Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta chỉ có thể dùng ngôn ngữ luật để nói chuyện với các nước. Trong khi đó, Việt Nam quen hành xử theo “lệ” hơn theo luật, quen quản lý bằng mệnh lệnh, chỉ thị, can thiệp trực tiếp vào công việc cụ thể của doanh nghiệp hơn là quản lý bằng luật pháp. Tôi cho rằng, đây là lệch pha lớn nhất.
Lệch pha thứ hai: Cung cách điều hành của bộ máy quản lý nhà nước của Việt Nam chưa đáp ứng được 3 nguyên tắc cơ bản của WTO- cũng là đòi hỏi của nền kinh tế thị trường- gồm: Bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch.
Cuối cùng, cách thức hỗ trợ của Nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp chưa thực sự hợp lý và công bằng. Nên nhớ, Nhà nước phải hỗ trợ trên nguyên tắc bình đẳng. Điều đó có nghĩa, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều phải nhận được sự hỗ trợ như nhau. Hơn nữa, phương thức hỗ trợ phải có tác động chung tới môi trường kinh doanh và có tác động lan tỏa chung tới các doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng thì từ người tiêu dùng cho tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đều có lợi cả.
PV: Những bất cập ông vừa chỉ ra đã ngáng trở cỗ máy kinh tế chạy hết tốc lực, phát huy hết khả năng cạnh tranh. Làm thế nào để xóa bỏ những lệch pha đó, thưa ông?
TS Võ Trí Thành: Cùng với việc gia nhập WTO, việc nhanh chóng cải tổ bộ máy quản lý nhà nước để nó có thể song hành và nâng đỡ cỗ máy kinh tế càng được đặt ra như một nhiệm vụ hết sức cấp bách, nếu muốn đất nước không bỏ lỡ thời cơ. Ở đây, phải khẳng định, hội nhập không hề làm giảm vai trò của Nhà nước. Ngược lại, hội nhập mang đến sức ép Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, thay đổi cung cách quản lý, điều hành, cải cách hành chính...
Hai năm qua, Quốc hội đã ban hành hàng chục luật, bảo đảm pháp luật Việt Nam tương thích với các nguyên tắc lớn của WTO. Tuy nhiên, cần làm sao để luật ban hành là có thể thực thi được ngay mà không cần thêm các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, việc quản lý chỉ theo luật pháp phải được các bộ, ngành và địa phương thực thi một cách triệt để, cũng như phải thay đổi thói quen cấp dưới chỉ thi hành theo văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Bên cạnh đó, có thể nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy bằng cách tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch tất cả các chức danh công chức. Hoặc, cải cách căn bản chế độ tiền lương nhằm hợp lý hóa, minh bạch hóa thu nhập, qua đó đòi hỏi tinh thần phục vụ cao nơi mỗi công chức và góp phần ngăn ngừa tham nhũng...
PV: Năm 2006, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt mức kỷ lục. Theo ông, đây có phải là tín hiệu hoàn toàn tốt không?
TS Võ Trí Thành: Bất cứ doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào nền kinh tế nào cũng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nói cách khác, nếu họ đầu tư 1 đô la thì nhất định phải “lấy ra” hơn 1 đô la. Nhìn ở góc độ ấy thì thấy FDI vào càng nhiều, nền kinh tế tiếp nhận càng thiệt.
Vậy cái lợi của nền kinh tế tiếp nhận ở đâu? Nó nằm ở tác động lan tỏa của FDI sang kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị kinh doanh và kỹ năng tạo liên kết... Còn nhớ, khi Trung Quốc gia nhập WTO, ngành công nghiệp ô tô được dự báo là sẽ bị bóp nát, nhưng 5 năm sau, công nghiệp ô tô lại là một trong những ngành phát triển nhất của Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, thành công đó là nhờ cạnh tranh và lợi thế động. Lợi thế động bao gồm sự thay đổi chính sách tạo ra môi trường kinh doanh, nỗ lực học hỏi của doanh nghiệp, sự lan tỏa kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Rủi ro của Việt Nam là thu nhận tác động lan tỏa qua FDI còn rất yếu.
PV: Vậy ông có lo ngại Việt Nam sẽ bị sốc với phần thưởng hội nhập?
TS Võ Trí Thành: Có ba cái nút cổ chai trong sự phát triển của Việt Nam: Thể chế Việt Nam không tương xứng, không phù hợp với yêu cầu của thị trường và hội nhập; Kết cấu hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu; Yếu về tầm hoạch định chính sách, tác nghiệp của bộ máy nhà nước, quản trị và lao động ở doanh nghiệp.
Để không sốc với luồng vốn đổ mạnh vào Việt Nam, phải gỡ được ba nút thắt ấy bằng cách chuẩn hóa hệ thống luật pháp và bộ máy nhà nước, cải cách cung cách điều hành. Nhà nước sẽ không còn có thể can thiệp sâu vào doanh nghiệp, bảo hộ doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác mà sẽ phải chuyển qua đóng vai trò tạo sân chơi bình đẳng, nâng đỡ cho tất cả các doanh nghiệp cùng phát triển. Nhà nước cũng phải đổi mới phương thức đầu tư, cho phép và đẩy mạnh việc thu hút tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
PV:Điều gì khiến ông quan tâm nhất trong năm 2007?
TS Võ Trí Thành: Năm 2007, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà khởi sắc, tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục đạt trên 8%, thu hút vốn FDI sẽ đạt trên 10 tỷ đô la... Tuy nhiên, tôi không quan tâm nhiều lắm đến những con số đẹp đẽ đó. Điều tôi muốn nhìn nhận chính là cái đà cho phát triển dài hạn của Việt Nam trong 3, 5, 10, 15 năm tới. Cái đà ấy không phải nằm ở những con số đẹp đẽ ta vừa nói, mà nằm ở chính việc thực hiện các cam kết hội nhập, và cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
PV:Xin chân thành cảm ơn ông!
HL thực hiện