Nhưng những gì mới diễn ra ở Tây Bắc và Hà Giang còn khiến tôi nhớ đến một khái niệm đọc được từ vài ba năm trước, đó là sông khí quyển (atmospheric river). Các nhà nghiên cứu mô tả sông khí quyển là một vùng hẹp có độ ẩm rất cao trong bầu khí quyển, có thể chứa lượng nước nhiều gấp 15 lần sông Mississippi, một trong mười con sông dài nhất thế giới. Dòng khí ẩm này có thể gây ra những trận lũ lụt tồi tệ khi một lượng mưa lớn được trút xuống chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Các nhà khoa học cho rằng, chính dòng sông trên trời là thủ phạm gây ra 10 trận lụt kinh hoàng nhất nước Anh kể từ những năm 1970. Họ cũng móc nối sự kiện thời tiết này với việc gần như toàn bộ loài hàu Olympia hoang dã ở phía Bắc vịnh San Francisco, California, Mỹ bị xóa sổ vào năm 2011. Sông khí quyển được cho là đã trút xuống lượng nước bằng một nửa lượng mưa trung bình hàng năm của bang California chỉ trong 10 đến 15 ngày. Các nhà khoa học cũng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến vấn đề này ngày càng trầm trọng, bởi không khí nóng lên sẽ giúp sông khí quyển chứa nhiều nước hơn.
Tuy không dám khẳng định nhưng tôi ít nhiều nghĩ rằng mưa lũ vừa qua ở Tây Bắc và Hà Giang có liên quan đến sông khí quyển. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng miêu tả trận mưa kéo dài từ ngày 23 - 26.6 là “rất lớn và hiếm gặp”. Nếu đúng như vậy thì chúng ta thực sự không chỉ đang phải sống chung với lũ, mà còn phải tìm cách sống chung với những hiện tượng thời tiết cực đoan - được dự báo xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Sống chung với lũ đã khó, sống chung với những hiện tượng thời tiết cực đoan kiểu như những dòng sông trên trời còn khó hơn. Ngay cả khi giữ được những cánh rừng đầu nguồn thì chúng cũng chỉ giúp hạn chế được phần nào thiệt hại chứ khó mà bảo đảm sẽ không có chuyện tệ hại xảy ra!
Với những hiện tượng thời tiết cực đoan, dự báo sớm, cụ thể, định lượng được và chuẩn xác là vô cùng quan trọng. Phải dự báo sớm và chính xác nhất có thể mới đưa ra được cảnh báo sớm. Muốn dự báo nhanh và chuẩn thì không có cách nào khác là phải đầu tư. Mỗi năm trung bình cả nước mất trắng 20 nghìn tỷ đồng vì mưa lũ. Riêng tổng thiệt hại đợt lũ vừa rồi ước tính ban đầu khoảng 440 tỷ đồng, tương đương 20 triệu USD - chừng đó tạm đủ để lập ra một viện nghiên cứu phân tích và dự báo các hiện tượng khí hậu như vậy. Chúng ta đào tạo các chuyên gia, mua máy tính chuyên biệt để phân tích các mô hình thời tiết, mua số liệu quan sát của NASA, tiến hành thu thập các dữ liệu thủy văn, địa chất đều đặn tại các vùng có nguy cơ… Như vậy chất lượng dự báo chắc chắn sẽ tốt hơn.
Truy trách nhiệm, tìm nguyên nhân sau mỗi trận lũ lụt cũng cần thiết (và chúng ta làm việc này trong một thời gian dài rồi) nhưng quan trọng hơn chính là đưa ra và thực thi các giải pháp, nhất là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn. Việc nâng cao chất lượng dự báo Chính phủ hoàn toàn có thể làm được nếu thực sự quyết tâm.