Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông... Đáng chú ý, lượng túi ni lông tăng theo từng năm. Đây chính là gánh nặng với môi trường, lâu dài có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều trường đại học đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Đơn cử, Trường Đại học Phenikaa quyết định không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong các cuộc họp tại trường.
Cuối tuần qua (ngày 11, 12.3), Trường Đại học Phenikaa và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Giao Hải, huyện Đoàn Giao Thủy, tỉnh Nam Định tổ chức sự kiện làm sạch bãi biển với tên gọi “Chung tay làm sạch biển Giao Hải - Cùng vẽ đại dương thêm xanh”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (viết tắt là 3SIP2C).
Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo - Vương quốc Anh (UKRI) và được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) cùng 6 đối tác tại Việt Nam.
Những đơn vị này bao gồm: Trường Đại học Phenikaa, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản; và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.
Nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; từ đó đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam và các ngành kinh tế liên quan như thủy sản, du lịch,…
Chiến dịch với sự có mặt của hơn 400 đại biểu, người dân địa phương và sinh viên 3 trường ĐH: Trường ĐH Phenikaa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
Mục tiêu của chiến dịch nàygiúp cán bộ, sinh viên, học sinh và người dân hiểu về thực trạng rác thải nhựa ở vùng ven biển xã Giao Hải, xác định các nguồn phát thải, loại rác thải nhựa phổ biến, tìm hiểu tác động của rác thải nhựa tới hệ sinh thái và cộng đồng địa phương.
Chia sẻ về các giải pháp ngăn chặn rác thải nhựa, TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên, Giảng viên Khoa CNSH, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh, việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, ven biển cũng như đại dương.
Để vượt qua thách thức này, điều quan trọng là phải làm sao để tất cả các bên, bao gồm cả những người hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các doanh nhân người tiêu dùng, đặc biệt là từ chính người dân và các em sinh viên phải cùng chung tay thay đổi một cách hệ thống từ nhận thức đến cách tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
Sinh viên Quách Tuấn Phong, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thể hiện quyết tâm: “Thanh niên chúng ta hãy tiên phong cùng nhau chung tay giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ sự sống của chúng ta, cùng làm sạch môi trường, nói không với rác thải nhựa. Hơn thế nữa, hãy bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ cụ thể của mình để góp sức cùng Nhà trường tiếp tục phát triển đại học xanh, thân thiện, môi trường sống bền vững”.
Chiến dịch trên là một trong những hành động thiết thực để tuyên truyền, tạo thói quen tích cực, giúp cho mỗi cá nhân ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; đồng thời là cơ hội để các bạn sinh viên thêm trải nghiệm và cơ hội thực hành tham gia vào các dự án thực tế.