Đánh giá đúng tình trạng giáo viên nghỉ việc
Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu trường, thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học... đặc biệt khó khăn là tình trạng thiếu giáo viên. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ trong phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tháng 2.2022, ngành Giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non. Một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 không tuyển được giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau đại dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên nói chung, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, gần như kỳ họp nào Quốc hội cũng thảo luận về chế độ, chính sách liên quan đến giáo viên, với một đội ngũ hùng hậu hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 triệu biên chế viên chức của cả nước.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, trong 2 năm rưỡi vừa qua hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, rời khỏi khu vực công. Sơ bộ tính toán, với 14.427 người trên tổng số hơn 1,2 triệu giáo viên trong khu vực công, chiếm khoảng 1,2% trong 2,5 năm, như vậy mỗi năm số lượng giáo viên rời khu vực công là khoảng 0,5%, tức cứ 200 giáo viên thì có 1 người rời khỏi khu vực công. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng: Chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa, việc giáo viên rời khỏi khu vực công và chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp. Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, mà đều là phục vụ Nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước...
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) khẳng định nguyên nhân của giáo viên nghỉ việc không chỉ do chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục. Theo số liệu đầy đủ của cả bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng thông tin tập hợp từ Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là chuyển ra khỏi ngành giáo dục. Qua khảo sát, giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, cho đến thời điểm này giáo viên trường công chuyển sang trường tư rất ít. Đây là một hiện tượng không bình thường. Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên thì số lượng giáo viên hiện nay là không bảo đảm.
Về nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoacho rằng có vấn đề về lương, vấn đề về áp lực công việc, vấn đề liên quan tới việc giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, có một bộ phận giáo viên phản ánh là họ được đào tạo một môn nhưng phải dạy tích hợp, nên không đủ tự tin đứng trước học sinh... Sắp tới ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện làm việc của giáo viên. Giáo viên đang thiếu rất nhiều, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay.
Nhấn mạnh việc bổ sung chỉ tiêu giáo viên đã được Chính phủ thực hiện thời gian qua, nhưng ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó, cần chủ động đào tạo lực lượng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình giáo dục mới. Đồng thời, nâng cao chế độ, chính sách tiền lương đối với lực lượng giáo viên. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương, cho phép các địa phương được tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới, để lực lượng này tự nâng cao năng lực bản thân, đạt tiêu chuẩn mới vào năm 2030.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lý đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt
Phát biểu làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Làm rõ về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên như: giáo viên bỏ việc, một số nơi nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu, do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên. Ví dụ, từ tháng 9.2015, tổng số học sinh là trên 19 triệu học sinh, nhưng đến tháng 9.2022 là trên 23 triệu học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9.2015 có 1,156 triệu giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9.2022 có 1,227 triệu giáo viên. Có thể thấy, số giáo viên nhích hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên còn do dân số ở một số vùng, miền dồn về các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp; do dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non bậc năm tuổi; thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên/học sinh/ lớp…
Về mặt giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành Giáo dục 65.000 chỉ tiêu và xét tuyển dần từ nay đến năm 2026; riêng năm 2022 được duyệt với 27.850 chỉ tiêu. Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu các năm cũ chưa tuyển được. Bộ trưởng đề nghị các địa phương vừa tuyển mới vừa tiếp tục tuyển chỉ tiêu cũ để có thể đáp ứng nhu cầu. “Trong số 65.000 chỉ tiêu tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng mong ngành Nội vụ và các ngành phối hợp với ngành Giáo dục dồn chỉ tiêu này cho các năm 2023 và năm 2024, bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Nếu đợi sau năm 2024 khi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đã xong thì việc tuyển dụng giáo viên lúc đó không còn nhiều ý nghĩa”.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, trong hai năm rưỡi qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới là hơn 143.961 người, trong đó hơn 18.867 công chức, 125.104 viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là 74.495 người. Từ số liệu trên, số lượng công chức viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%), nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế, nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho con người.
Do đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Đó là cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương Khóa XII; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời quan tâm rà soát, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn nữa. Cùng đó là sớm xây dựng chính sách thu hút người tài năng, chuyên gia trong các lĩnh vực, ngành trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ trưởng cũng đề cập giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu; xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng, dân chủ, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có điều kiện, môi trường để công chức, viên chức thể hiện tài năng của mình.