Bảo vệ bằng pháp luật
Ngày 1.4.2006, Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ người tố giác, đưa ra những tiêu chuẩn và điều kiện để người tố cáo hành vi vi phạm có thể nhận được sự bảo vệ pháp lý. Trên cơ sở đạo luật này, người tố giác có thể nộp đơn khiếu nại tại tòa án để yêu cầu được bảo vệ pháp lý trong trường hợp bị đối xử bất lợi do việc tố giác chẳng hạn như: bị sa thải, giáng chức hoặc giảm lương. Những biện pháp mà luật này đưa ra để bảo đảm các công ty và cơ quan phải tuân thủ quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tố giác.
Việc tố giác trong một doanh nghiệp được bảo vệ về mặt pháp lý nếu người tố giác tin rằng hành vi tội phạm đã xảy ra hoặc sắp xảy ra. Tuy nhiên, nếu sự việc được tố cáo cho cơ quan hành chính (không thuộc nội bộ doanh nghiệp đó), người tố giác phải có bằng chứng. Ngoài ra, việc bảo vệ pháp lý trong trường hợp này cũng yêu cầu người tố giác phải có căn cứ hợp lý để tin rằng tổ chức nơi bị tố giác có thể sẽ trả thù mình hoặc tổ chức sẽ tiêu hủy bằng chứng nếu người đó tố giác trong nội bộ.
Theo các điều khoản của luật trước khi sửa đổi, không phải tất cả những người tố giác đều đủ điều kiện để được bảo vệ về mặt pháp lý. Các biện pháp bảo vệ này không được áp dụng đối với các quan chức của công ty lẫn các nhân viên cũ. Ngoài ra, phạm vi bảo vệ chỉ giới hạn ở một số tội hình sự nhất định và không bao gồm các hành vi mà chỉ có thể bị phạt hành chính.
Sửa đổi để đáp ứng tình hình thực tiễn
Luật Bảo vệ người tố giác năm 2006 đã được sửa đổi và có hiệu lực từ 1.6.2022. Những sửa đổi chính của Luật tập trung duy trì và khuyến khích hệ thống tố giác hành vi vi phạm trong nội bộ cơ quan. Sau khi phiên bản luật năm 2006 bắt đầu được thi hành, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thiết lập hệ thống báo cáo nội bộ, nhưng rất nhiều trong số đó chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả. Vì vậy, luật sửa đổi năm 2022 yêu cầu các doanh nghiệp có từ 301 nhân viên trở lên phải thiết lập một hệ thống giống như cơ quan "dân nguyện" tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ công ty. Mỗi đơn vị kinh doanh phải chỉ định một người quản lý hệ thống báo cáo nội bộ và người này có nghĩa vụ giữ bí mật mọi thông tin về người tố cáo. Nếu doanh nghiệp là công ty chứng khoán, bất kể đó có phải là công ty giao dịch đại chúng hay không, giám đốc công ty có nghĩa vụ duy trì hệ thống báo cáo nội bộ đáp ứng các yêu cầu của luật 2022. Nếu vi phạm nghĩa vụ này, họ phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại cho công ty và các bên thứ ba, bao gồm cả người tố giác.
Sửa đổi chính tiếp theo của luật năm 2022 là nới lỏng các yêu cầu về báo cáo với cơ quan hành chính. Theo phiên bản trước đó, người tố giác phải có căn cứ hợp lý để tin rằng một hành vi sai trái đã xảy ra hoặc sắp xảy ra khi báo cáo với cơ quan hành chính, và những điều kiện chứng minh này rất khó đáp ứng. Các nhà lập pháp đã lược bớt những điều kiện trong bản sửa đổi năm 2022: người tố cáo hiện được bảo vệ về mặt pháp lý nếu người đó chỉ nộp một tài liệu nêu rõ tên và địa chỉ của người tố cáo, các hành vi được báo cáo, lý do mà người tố cáo tin rằng một hành vi sai trái đã xảy ra hoặc sắp xảy ra và lý do khiến người đó tin rằng hành động pháp lý đối với các hành vi được báo cáo cần thực hiện.
Một sửa đổi khác mở rộng phạm vi bảo vệ người tố giác. Theo đó, người tố giác được bảo vệ có thể bao gồm cả quan chức công ty và các nhân viên cũ, những người từ chức trên một năm. Các nhà lập pháp Nhật Bản tin rằng những nhân viên vừa rời công ty có nhiều thông tin về những hành vi sai trái đang diễn ra trong tổ chức và thông tin này có thể được sử dụng để vạch trần hành vi sai trái đó. Họ cũng tin rằng các quan chức cũ của công ty có nhiều khả năng biết về hành vi sai trái nghiêm trọng hơn nhân viên cấp thấp hơn vì họ tham gia vào các hoạt động ra quyết định quan trọng của tổ chức.
Mặc dù những sửa đổi này giúp hoàn thiện luật năm 2006 nhưng vẫn chưa đủ. Luật mới cũng chưa cung cấp sự bảo vệ pháp lý cho những nhân viên đã rời công ty cách đây một năm hoặc ít hơn. Để bảo đảm an toàn, một số nhân viên cũ có thể không muốn tố cáo ngay sau khi từ chức. Thậm chí hơn một năm sau khi từ chức, một số nhân viên cũ vẫn có nguy cơ bị trả thù nếu tố cáo. Ví dụ, người sử dụng lao động có thể yêu cầu hoàn lại tiền trợ cấp thôi việc hoặc bồi thường thiệt hại do vi phạm tính bảo mật…
Sửa đổi quan trọng khác của luật năm 2022 liên quan đến phạm vi sự kiện có thể được báo cáo. Luật năm 2022 mở rộng phạm vi các tình tiết có thể được báo cáo bao gồm các hành vi sai trái phải chịu phạt hành chính, bên cạnh các hành vi sai trái phải chịu hình phạt hình sự. Các nhà lập pháp đã chấp nhận lập luận rằng, việc mở rộng phạm vi các tình tiết có thể bị tố cáo khiến doanh nghiệp dễ tuân thủ pháp luật hơn và ngay cả những hành vi sai trái chỉ bị xử phạt hành chính cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.